Thứ Hai, 29/4/2024
Nghiệm thu Đề án khoa học:“Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay”

Quang cảnh Hội nghị

Hội đồng nghiệm thu Đề án gồm 7 thành viên do TS. Đỗ Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương; các nhà khoa học đến từ các cơ quan Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, thành phố Hà Nội; đại diện Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và cơ quan Ban Dân vận Trung ương; Vụ Dân vận các cơ qua nhà nước, Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương...

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu ThS. Nguyễn Lam, Chủ nhiệm Đề án cho biết: Ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Gần 25 năm qua, Trung ương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở.


ThS. Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Đề án 
báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội nghị


Nhờ đó dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện QCDC ở địa bàn dân cư từng bước đi vào nền nếp; thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều chuyển biến tích cực; thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được quan tâm nhiều hơn, có chuyển biến tích cực... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự thường xuyên. Một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ ở cơ sở chậm được xây dựng và hoàn thiện. Dân chủ chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương. Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức; ý kiến của nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ...

Thông qua phân tích, đánh giá việc thực trạng thực hiện QCDC ở cơ sở, nhóm nghiên cứu một số vấn đề lý luận, đánh giá tình hình thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua, nhằm góp phần quán triệt, cụ thể hóa thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh… Từ đó đưa ra dự báo những yếu tố tác động đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới.

Trong đó tập trung các nhiệm vụ: Đổi mới, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Công tác thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về thực hiện QCDC ở cơ sở; Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện QCDC ở cơ sở; Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở; Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo từng loại hình gắn với nhân rộng mô hình.

Đồng chí Nguyễn Lam, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề án chia sẻ, mặc dù đã nghiêm túc nghiên cứu, nỗ lực tìm tòi, phân tích dữ liệu, tranh thủ ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực thực hiện QCDC ở cơ sở; song nhóm nghiên cứu nhận thấy khó tránh khỏi thiếu sót. Ban Chủ nhiệm mong Hội đồng Khoa học, các nhà khoa học, các chuyên gia góp ý để Đề án thêm hoàn chỉnh và có chất lượng tốt hơn.


ThS. Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, 
Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị


Tại Hội nghị, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá: Đề án có tính cấp thiết, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề án được triển khai nghiêm túc, công phu; có kết cấu rõ ràng, phương pháp tiếp cận vấn đề cơ bản phù hợp. Các nhiệm vụ do đề án đặt ra đã được Ban chủ nhiệm giải quyết cơ bản theo đúng định hướng, mục tiêu, đạt được những kết quả quan trọng. Qua các sản phẩm của đề án cho thấy Chủ nhiệm đề án đã nghiêm túc, trách nhiệm tiếp thu, bổ sung các nội dung góp ý của Hội đồng cơ sở. Sản phẩm được thực hiện với hàm lượng thông tin phong phú, phản ánh các kết quả nghiên cứu ở cả khía cạnh lý luận và thực tiễn. Các chuyên đề khoa học có hàm lượng khoa học cao, được nhìn nhận, đánh giá đa chiều, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm. Các giải pháp đề xuất khá đầy đủ, có tính thực tiễn và tính khả thi...

Trên cơ sở đó, Hội đồng nhất trí thống nhất nghiệm thu Đề án khoa học: “Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay” đạt loại xuất sắc./.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất