Thứ Sáu, 26/4/2024
Hội nghị thông tin khoa học Các Mác – sự nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong thời đại ngày nay

 


 Quang cảnh Hội nghị thông tin khoa học

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên nghiên cứu của các cơ quan Đảng Trung ương đã được nghe Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu về những học thuyết cơ bản của Các Mác - là nền móng quan trọng trong triết học Mác – Lênin; cùng những vấn đề, nội dung cần nghiên cứu, quán triệt, vận dụng sáng tạo cho thực tiễn cách mạng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể như:

Học thuyết về duy vật lịch sử.

Theo Mác, cái thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý chí của con người, của các vĩ nhân mà chính là sản xuất vật chất, là nhưng lợi ích vật chất và chính quần chúng nhân dân mới là những người sáng tạo chân chính ra lịch sử của mình.

Bằng các công trình nghiên cứu của mình, đặc biệt là bộ Tư bản, Các Mác đã chứng minh một cách khoa học rằng: Sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau là một quá trình lịch lịch sử tự nhiên. Hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, sớm hay muộn, tất yếu sẽ bị thay thế bằng một phương thức sản xuất tiên tiến hơn, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa, bởi sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội sẽ đến một lúc không còn có thể chứa đựng trong các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa nữa.

Tuy nhiên, khi khẳng định như vậy, “Mác không hề xác định thời điểm cụ thể về sự thay đổi đó hay về thời điểm diệt vong của chủ nghĩa tư bản.” Bởi chính Mác, ngay trong Lời tựa viết trong lần xuất bản lần đầu tiên tập I bộ Tư bản đã nhận ra rằng: Xã hội tư bản “hoàn toàn không phải là một khối kết tinh vững chắc, mà là một cơ thể có khả năng biến đổi và luôn luôn ở trong quá trình biến đổi” và vì vậy “nó” có khả năng thích nghi, chưa thể “chết” ngay được... Chính lịch sử nhân loại thế kỷ XX và hiện nay đã hoàn toàn xác nhận những chỉ dẫn hết sức tinh tường đó của Mác. Tuy nhiên, Chủ nghĩa tư bản không là vĩnh hằng, bất tử mà Mác đã dự báo về sự thay thế nó trong tương lai; các điều kiện chuẩn bị cho sự thay thế đó đang trong quá trình hình thành ở ngay trong chính bản thân nó và lịch sử không bao giờ ngừng lại.

Học thuyết về giá trị thặng dư

Những bí mật làm giàu của các nhà tư bản và sự bần cùng của người lao động đã được Mác khám phá ra nhờ học thuyết về giá trị thặng dư. Mác cũng chỉ rõ rằng, sản xuất ra giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của sản xuất Tư bản chủ nghĩa; không có lợi nhuận thì không một nhà tư bản nào chịu bỏ vốn để sản xuất, kinh doanh.

Ngày nay, nhân loại đang tiến bước trong nền kinh tế tri thức; tri thức đã chuyển hóa “thành lực lượng sản xuất trực tiếp” như Mác đã từng tiên đoán(1). Tuy nhiên, Mác cũng đã dự báo: Máy móc dù có hiện đại đến đâu chăng nữa cũng vẫn không thể thiếu sức lao động của con người, cùng với những đòi hỏi về chất lượng lao động cao hơn, tri thức nhiều hơn và vì vậy không thể sản xuất nếu thiếu lao động sống.

Trong thời đại hiện nay, hình thức bóc lột đã có thay đổi, trở nên khó nhận biết hơn, tinh vi hơn và khác hơn so với thời Mác nhưng bản chất bóc lột của tư bản thì không khác. Đây chính là nguồn gốc, là nguyên nhân dẫn đến hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa những nước giàu và nước nghèo trên thế giới…

Kiên định, phát triển nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn, các tư tưởng, các học thuyết của Mác về triết học, xã hội, kinh tế, con người, khoa học kỹ thuật… chính là kết quả của một sự nghiên cứu, phê phán, tiếp thu, vượt bỏ những thiên tài trước Mác, tính từ thời cổ đại cho đến tận L. Phoiơbắc; cùng sự khái quát lý luận và tổng kết thực tiễn cực kỳ sôi động của thế giới và trên hết là sự sáng tạo tuyệt vời của bộ óc thiên tài vẫn còn nguyên giá trị đối với hiện tại và tương lai. Đa số các nhà khoa học thế giới vẫn khẳng định một trong những vĩ nhân thế giới có ảnh hướng nhất to lớn nhất trong lịch sử nhân loại chính là Các Mác.

Kiên định lãnh đạo đất nước Việt Nam theo con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội gắn với phát triển nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng sáng tạo trong lãnh đạo tổ chức vận dụng lý luận nền tảng, tránh được mọi biểu hiện rập khuôn, giáo điều, máy móc. Bởi hiện nay, cả trong xã hội loài người lẫn trong giới tự nhiên đã và có những biến động, phát triển vô cùng to lớn so với giai đoạn trước đây.

Chính Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã từng tuyên bố, cho rằng học thuyết của các ông không phải "nhất thành bất biến" mà là học thuyết về sự phát triển, học thuyết của sự phát triển. Lênin đã từng nói về vấn đề này (năm 1899): “Chúng ta không hề coi lý luận Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm pham; trái lại chúng ta tin rằng lý thuyết đó chỉ đặt nền móng cho một môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”(2)

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn đã gợi mở những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, nhận thức rõ hơn trong giai đoạn cách mạng hiện nay như: mối quan hệ giữa trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; sự phân tầng, phân hóa, phân cực giàu - nghèo trong các giai cấp; bản chất và sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân; sở hữu tư nhân và sở hữu tư bản về tư liệu sản xuất tư bản chủ nghĩa; nguồn gốc và bản chất của sự sống; nguồn gốc con người…

Phát biểu kết luận chuyên đề, đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định: Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, mặc dù thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp, đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, để Đảng ta tiếp tục giữ vững tay lái con tàu cách mạng Việt Nam đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chọn, đòi hỏi mỗi lãnh đạo, cán bộ chuyên viên nghiên cứu của các cơ quan Đảng Trung ương không chỉ có trách nhiệm thường xuyên đọc, nghiên cứu mà còn phải kế thừa, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp quy luật và đúng đắn với thực tiễn phát triển đất nước…

Phan Thanh thực hiện

 (1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr372

(2) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1974, t. 4, tr. 232

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất