Thứ Sáu, 3/1/2025
Về phương pháp, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của bí thư cấp ủy

 Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân (ảnh minh họa)

Ngày nay, cùng với sự bùng nổ thông tin và trình độ dân trí không ngừng nâng lên, nhu cầu tiếp nhận, đáp ứng thông tin cho người dân đã và đang đặt ra yêu cầu rất bức thiết. Hơn nữa, cùng một vấn đề tư tưởng thường có nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau, thậm chí đối lập nhau, chỉ thông qua các cuộc tranh luận, trao đổi trực tiếp giữa chủ thể với đối tượng mới có thể đi đến sự thống nhất. Bởi vậy, việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy ngày càng trở nên cấp thiết và phổ biến hơn bao giờ hết.

Ưu điểm nổi bật của đối thoại trực tiếp là có thể thực hiện thông tin hai chiều, với sự tham gia ý kiến của cả chủ thể và đối tượng. Theo đó, người dân có thể trình bày ý kiến của mình một cách tỉ mỉ, chủ thể được tiếp thu và giải đáp kịp thời những vấn đề mà người dân đang quan tâm. Quan trọng hơn là phần lớn những vấn đề mà người dân quan tâm sẽ được bàn thảo, giải quyết tận "gốc rễ” của vấn đề. Nhờ đó, người dân được giải tỏa tâm lý về những vấn đề còn đang băn khoăn, khúc mắc. Đối thoại thành công, cũng có nghĩa là tư tưởng được thông suốt. Đây chính là tiền đề rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. 

Tuy nhiên, đối thoại trực tiếp là một việc không dễ, đòi hỏi chủ thể cần có trình độ, tri thức và kinh nghiệm vững vàng, quan điểm lập trường rõ ràng, đủ khả năng hướng đối tượng đi đến những quan điểm, tư tưởng của Đảng. Thực tế cho thấy, trong quá trình đối thoại trực tiếp, có thể có những ý kiến khá “hóc búa” mà ngay cả chủ thể đôi khi cũng chưa lường hết hoặc nắm chưa chắc chắn. Vì vậy, nếu không có trình độ, tri thức và kinh nghiệm vững vàng, quan điểm lập trường rõ ràng, chủ thể rất có thể sẽ rơi vào tình thế lúng túng, bị động. Mặt khác, ý kiến dù đúng hay sai, song tâm lý của người dân bao giờ cũng muốn bảo vệ chính kiến của mình. Vì thế, không khí cuộc đối thoại đôi khi trở nên căng thẳng và khó đi đến thống nhất về quan điểm và cách thức giải quyết vấn đề, sự việc. Đó là tình huống thường gặp ở những cuộc đối thoại giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến nhu cầu, lợi ích sát sườn của người dân.

Từ thực tế trên, để các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy và người dân thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn, cần làm tốt công tác chuẩn bị, đó là:

1. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có chủ trương, kế hoạch tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân

Tùy vào tình hình, yêu cầu của thực tiễn (phát sinh ít hoặc nhiều vấn đề băn khoăn, khúc mắc, tính phức tạp, thiếu đồng thuận trong cộng đồng dân cư hoặc trong một bộ phận nhân dân về chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện liên quan các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…) để có chủ trương, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại với nhân dân cho phù hợp.

Từ chủ trương của cấp ủy, kế hoạch tiếp xúc, đối thoại có thể theo định kỳ (hằng tháng, hằng quý, sáu tháng) hoặc tiếp xúc, đối thoại không theo định kỳ, đột xuất. Kế hoạch thường giao cho cơ quan tham mưu, giúp việc trực tiếp chuẩn bị hoặc phối hợp chuẩn bị (thường thì giao cho Văn phòng cấp ủy chủ trì phối hợp với Ban Dân vận của cấp ủy chuẩn bị).

2. Xây dựng kế hoạch trình cấp ủy, bí thư cấp ủy phê duyệt thực hiện

Dù là kế hoạch tiếp xúc, đối thoại định kỳ hay không định kỳ thì việc xác định nội dung, vấn đề chính của cuộc tiếp xúc, đối thoại sẽ chi phối toàn bộ công tác chuẩn bị.

Kế hoạch cần thể hiện cụ thể các nội dung như: xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung chính của cuộc tiếp xúc, đối thoại; chủ thể và đối tượng tham gia tiếp xúc, đối thoại; thời gian, địa điểm; phân công trách nhiệm chuẩn bị (cả về nội dung và điều kiện vật chất, bảo đảm an ninh cần thiết; cả trước, trong và sau khi diễn ra cuộc tiếp xúc, đối thoại) cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để cuộc tiếp xúc, đối thoại của bí thư cấp ủy đạt được hiệu quả tốt nhất. Kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy để đạt được hiệu quả tốt nhất thì đích thân bí thư cấp ủy chỉ đạo chuẩn bị nội dung kế hoạch; dự liệu được đường hướng, biện pháp giải quyết; lường trước được những khả năng, vấn đề phát sinh; đặc biệt tránh hứa suông rồi không giải quyết vấn đề chính đáng mà người dân kiến nghị.

3. Cùng với việc chuẩn bị kế hoạch, để cuộc tiếp xúc, đối thoại đạt được hiệu quả tốt, chủ thể tham gia đối thoại cần lưu ý một số vấn đề như:

Một là, cần tạo ra môi trường tâm lý thuận lợi cho cả chủ thể và đối tượng tham gia cuộc đối thoại. Đó là thái độ chân thành, cởi mở, thẳng thắn, bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng với đối tượng. Chỉ có như vậy, người dân mới mạnh dạn trình bày hết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình (kể cả ý kiến trái chiều đôi khi cũng rất cần thiết cho việc nghiên cứu nắm bắt dư luận, dự báo tình hình tư tưởng của quần chúng).

Hai là, chủ thể cần hiểu biết sâu, toàn diện về chủ đề đối thoại được xác định, đặc biệt là nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân tham gia đối thoại; biết cách khơi gợi vấn đề để thảo luận, tranh luận đúng hướng và phải có khả năng ứng phó linh hoạt với những tình huống phức tạp, bất ngờ có thể nảy sinh trong quá trình đối thoại. Muốn vậy, chủ thể phải thường xuyên trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để có tầm hiểu biết sâu, rộng và kỹ năng đối thoại tốt.

Ba là, các thành viên tham gia đối thoại (cơ quan tham mưu, giúp việc) cũng phải am hiểu về chủ đề, nội dung đối thoại và có thiện chí xây dựng ý kiến đúng đắn, thống nhất. Nếu không rất có thể sẽ không trả lời được hoặc có trả lời nhưng trả lời một cách hời hợt không thỏa đáng các vấn đề mà người dân quan tâm, làm cho cuộc đối thoại trở nên tẻ nhạt, thậm chí có thể khiến cho không khí cuộc đối thoại trở nên phức tạp và căng thẳng.

Bốn là, chủ thể phải thật bình tĩnh, tự tin và khéo léo, tế nhị, kiên định nhằm “lái” cuộc đối thoại theo hướng tích cực, luôn sẵn sàng tán thành và ủng hộ những ý kiến thẳng thắn, đúng đắn từ phía người dân. Trong trường hợp có ý kiến trái ngược, chủ thể cần phải biết tự kiềm chế thuyết phục đối tượng; đối với những vấn đề cần phản bác cũng phải được dựa trên những luận chứng, luận cứ khoa học, đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế của địa phương, chứ không phải bằng quy kết, áp đặt ý kiến chủ quan của mình.

Năm là, chủ thể phải có khả năng tổng hợp ý kiến qua cuộc đối thoại để phúc đáp, trả lời những ý kiến, kiến nghị chính đáng và không chính đáng của người dân một cách rõ ràng. Điều quan trọng và có ý nghĩa chính trị nữa, đó là dựa trên lập trường, quan điểm của Đảng, chủ thể phải kết luận được những vấn đề cốt lõi nhất của cuộc tiếp xúc, đối thoại; đồng thời, nêu được chính kiến có tính định hướng tư tưởng đối với người dân.

Có thể khẳng định rằng, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân không phải là việc làm hoàn toàn mới, song luôn mang tính thời sự, là phương pháp rất phù hợp, hiệu quả trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và định hướng dư luận xã hội. Bởi vậy, bí thư cấp ủy các cấp cần nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp đối thoại trực tiếp để góp phần nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trong tình hình mới./.

                                                                                                               Trung Kiên

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất