Thứ Sáu, 29/11/2024
Kinh nghiệm trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng

Các dự án thu hồi, GPMB từ trước đến nay bị vướng mắc, không thể triển khai phần lớn do sự không đồng thuận về giá đền bù, giá mua đất tái định cư giữa người dân bị thu hồi đất và cơ quan, đơn vị thu hồi đất. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai gia tăng và phức tạp.

Nhiều dự án bế tắc vì làm sai

Đầu tháng 11-2018, chúng tôi trở lại huyện Vụ Bản (Nam Định). Câu chuyện về đền bù, GPMB dự án Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh cách đây 11 năm vẫn vẹn nguyên trong tiềm thức người dân huyện Vụ Bản. Đó là năm 2007, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt dự án xây dựng KCN Bảo Minh, thuộc địa bàn các xã: Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái của huyện Vụ Bản. Thời gian đầu, việc triển khai diễn ra khá thuận lợi, 100% hộ dân thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp tự nguyện ký kết phương án đền bù, hỗ trợ GPMB. Chính vì vậy, vào thời điểm cuối năm 2007, khi tiến hành chi trả tiền đền bù, Ban GPMB đã áp dụng biểu giá đất năm 2008 để người dân đỡ thiệt thòi. Thế nhưng, khi chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thì một số người dân có đất bị thu hồi lại làm đơn khiếu kiện, đề nghị nâng mức đền bù, hỗ trợ. Do không thống nhất được mức giá đền bù nên công tác GPMB ở dự án KCN này kéo dài nhiều năm khiến các bên liên quan đều bị thiệt hại.

Câu chuyện bế tắc của dự án KCN Bảo Minh chỉ là một trong hàng trăm dự án không thể triển khai do vướng mắc về giá cả đền bù, GPMB trên cả nước. Còn dự án Khu đô thị mới Phúc Ninh (Bắc Ninh) đang bế tắc hiện nay (năm 2018) lại đến từ một lý do khác. Dự án này thuộc địa bàn các phường: Đại Phúc, Vũ Ninh và Thị Cầu của TP Bắc Ninh do Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư. Quá trình triển khai dự án để xảy ra nhiều sai sót. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh thì diện tích đất theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và diện tích đất được giao để thực hiện dự án chưa thống nhất. Phần diện tích còn lại tuy đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa tổ chức bồi thường, hỗ trợ xong GPMB. Trong quá trình triển khai dự án, sự phối hợp của chủ đầu tư với chính quyền địa phương và các sở, ngành có liên quan còn nhiều hạn chế, chưa chủ động, tích cực thực hiện dứt điểm các cam kết hỗ trợ riêng của chủ đầu tư đối với người dân có đất bị thu hồi…

Những vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù GPMB đã và đang xảy ra tại hầu hết các địa phương, trong đó phổ biến là tình trạng người dân chưa đồng ý với mức giá được bồi thường đất nằm trong quy hoạch GPMB, hoặc người dân được bồi thường với giá thấp, nhưng khi họ mua đất tái định cư lại phải chịu giá cao. Đã thế, phần đất của họ sau khi bị thu hồi lại được chia lô để bán thành khu tái định cư mới cho những người có nhu cầu, nên gây ra bức xúc và khiếu kiện kéo dài.

Theo số liệu thống kê, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm gần 70% các loại khiếu kiện, đa phần là khiếu kiện về giá bồi thường đất đai. Hầu hết tại các dự án có thu hồi đất đều nảy sinh khiếu kiện. Nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc phức tạp khi thu hồi đất của người dân cơ bản là do các dự án triển khai thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, sửa đổi thiết kế dự án, thời gian triển khai dự án bị kéo dài vì không GPMB được. Cùng với đó, việc thực hiện thu hồi đất ở một số địa phương thiếu minh bạch, thậm chí còn xảy ra hiện tượng lợi dụng danh nghĩa Nhà nước để phục vụ lợi ích nhóm. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong thu hồi đất vẫn diễn biến phức tạp.

Cần hài hòa giữa các lợi ích

Có mặt tại dự án xây dựng cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (Nam Định), chúng tôi nhận thấy dự án đang được các nhà thầu và đơn vị thi công gấp rút, bảo đảm đúng tiến độ. Bà Nguyễn Thị Hậu ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho biết: “Trước đây, mỗi khi chúng tôi có việc cần sang huyện Hải Hậu đều phải đi bằng phà. Mỗi khi trời mưa to gió lớn, việc đi lại rất nguy hiểm. Khi nhận được thông báo triển khai xây dựng cầu Thịnh Long, chúng tôi rất vui mừng. Bởi, sau khi cầu được xây, việc đi lại của người dân chúng tôi sẽ thuận tiện, an toàn hơn. Chính vì vậy, khi các cấp, ngành triển khai GPMB để thực hiện dự án, người dân đều đồng thuận ủng hộ. Việc chi trả, hỗ trợ đền bù, GPMB được các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ, rõ ràng theo đúng quy định của Nhà nước”.

 Rút kinh nghiệm từ những dự án bị ngưng trệ vì không thống nhất được giá đền bù GPMB, ngay từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực, UBND tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức họp dân nơi có đất bị thu hồi để tuyên truyền, vận động với mong muốn tất cả người dân hiểu đúng, đủ chính sách pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như các chính sách quản lý về đất đai và các chính sách bồi thường, hỗ trợ khác. Ngoài ra, việc chủ động tuyên truyền, giải thích rõ ràng, minh bạch còn giúp các hộ dân nhận thức rõ lợi ích của các dự án mang lại đối với đời sống xã hội và việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương cả trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm phương án GPMB thực hiện đúng các quy trình, chính sách và pháp luật của Nhà nước, công khai dân chủ đến người dân. Vì vậy, các dự án phải thu hồi đất trong giai đoạn 2014-2018 của tỉnh Nam Định diễn ra thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án đi vào hoạt động có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng: Vấn đề khó khăn nhất để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng là mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB. Giá đền bù, hỗ trợ tại thời điểm xây dựng và thời điểm tiến hành bồi thường GPMB là khác nhau, có độ chênh lệch. Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng, giá đền bù phải phù hợp, sát với giá thị trường để tránh gây thiệt thòi cho người dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, chúng ta cần có cơ chế thỏa thuận đền bù, GPMB. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện bảng giá đất để thực hiện GPMB được xây dựng dựa trên Luật Đất đai. Nhà nước ban hành khung giá đất, còn các tỉnh, thành phố được điều chỉnh cho phù hợp với địa phương, nhưng theo quy định không vượt quá 30%. Bảng giá đất chỉ tương đương 30-40% giá đất trên thị trường, cần phải xem xét lại cho phù hợp. Việc định giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường có cái lợi cho công tác GPMB thực hiện những dự án của Nhà nước, nhưng khi áp dụng với các dự án phát triển kinh tế-xã hội thì bảng giá đất tạo ra sự chênh lệch.

(Còn nữa)

NGUYỄN TUẤN - ĐỨC THỊNH - VĂN THI/qdnd.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất