1. Bối cảnh xã hội và sự phát triển tư duy công nghệ mới
Theo số liệu mới nhất từ Liên hợp quốc, tháng 8/2018, Việt Nam có số dân hơn 96,5 triệu người, trong đó độ tuổi 15 - 64 chiếm đến 69,3% (1). Như vậy, nước ta có cơ cấu dân số trẻ, gần ¾ trong độ tuổi lao động, học tập, giải trí và tham gia các hoạt động xã hội một cách tích cực nhất.
Trong một thống kê khác, Báo cáo 2018 (2) của We are social (tổ chức thống kê Internet toàn cầu có trụ sở tại Anh, Mỹ) cho thấy: Tháng 1/2018, Việt Nam có 73% người dân dùng điện thoại di động, 67% dùng Internet, trong đó 57% tham gia các mạng xã hội. Điển hình như mạng xã hội Facebook, 99% người dùng có độ tuổi từ 13 - 64, chỉ có 1% người dùng trên 65 tuổi. Cũng theo báo cáo này, thời gian người dùng dành cho Internet gấp 3 lần so với truyền hình, vốn là phương tiện truyền thông đại chúng hấp dẫn công chúng nhất.
Những năm gần đây, có thể thấy xu hướng trong việc tiếp cận thông tin và sử dụng truyền thông xã hội của công chúng là những phương tiện truyền thông mới, được phát triển dựa trên nền tảng Internet và viễn thông di động (thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng). Cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống như: báo in, tạp chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình cũng đang có những biến đổi tích cực để thích ứng, đang tạo ra một xu thế mới trong truyền thông xã hội nói chung. Trong bối cảnh công nghệ đó, với những ứng dụng mạnh mẽ của nó vào đời sống thông tin, nhận thức và tư duy của người dân Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện và công cụ truyền thông mới như báo điện tử, trang thông tin điện tử, nhóm - diễn đàn, mạng xã hội…
Xét từ chiều cạnh khác, thiên hướng phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông mới của công chúng cũng hàm chứa những hạn chế nhất định. Hiện trạng rõ nét và nổi bật nhất là sự nhiễu loạn thông tin trong công chúng. Những vấn đề mới nảy sinh như thiếu niềm tin, vội vàng đưa quan điểm, chạy theo bình luận số đông,… Điều này dẫn đến một xã hội có nhiều sự phân tán, xu hướng hình thành các nhóm quần chúng chuyên biệt tăng nhanh. Vấn đề đáng quan ngại nhất là mâu thuẫn truyền thông, thông tin qua mạng Internet là: khối lượng thông tin khổng lồ, nhưng thông tin chính thống, được kiểm chứng xác thực, có độ chính xác, có tính giáo dục, hướng dẫn cho hành vi lại bị che lấp bởi nhiều thông tin nguỵ tạo (fake news). Tình trạng nhiều người sử dụng, dẫn lại, hay bình luận tại các nguồn thông tin không chính xác, thiếu cân nhắc, suy xét vô tình đã giúp thông tin sai lệch được lan truyền nhân rộng, ảnh hưởng tới dư luận và niềm tin của xã hội.
Ngày 29/8/2018, một nick mạng xã hội Facebook tên Tran Thanh Huyen đăng tin “bé gái lớp 8 bị bắt cóc, mong cộng đồng chia sẻ”, thông tin có cả hình ảnh của cô bé kèm theo. Chỉ trong một buổi sáng có đến 543 lượt bày tỏ cảm xúc, 302 bình luận, 202 lượt chia sẻ. Từ thông tin này, công an thành phố Hà Nội vào cuộc và khẳng định trên báo An ninh thủ đô ngày 30/8/2018: “Không có sự việc nữ sinh lớp 8 “bị đánh thuốc mê”, “bắt cóc” ở Hà Nội!” (3). Bản chất câu chuyện là nữ sinh trên tự bỏ nhà đi do mâu thuẫn gia đình. Sau đó, tài khoản mạng Facebook Tran Thanh Huyen đã “chế biến” thông tin đó thành cách quảng cáo trá hình.
|
Hiện trạng này diễn ra khoảng trên 10 năm trở lại đây, từ hoạt động cung cấp dịch vụ blog của Yahoo, Blogger đến dịch vụ mạng xã hội của Facebook, Twitter, Instagram. Với lượng người sử dụng khổng lồ và nội dung thông tin áp đảo, nhiều công cụ truyền thông mới ngoài báo chí đang lấn át thông tin chính thống của các đơn vị báo chí tại Việt Nam.
Một thống kê riêng về mạng xã hội Facebook gần đây cho thấy: “Đã có trên 2,5 ngàn tỷ bài đăng trên Facebook. Trong tháng 7/2016, số lượt tìm kiếm hàng ngày trên Facebook là trên 2 tỷ. Cứ mỗi 60 giây Facebook lại có thêm 4 triệu likes, 500 người dùng mới, cùng 100 ngàn yêu cầu kết bạn mới được gửi đi, và 243 ngàn hình ảnh được tải lên” (4). Mạng xã hội này tại Việt Nam đến tháng 4/2018, số lượng người dùng đạt 58 triệu, đứng thứ 7 trên thế giới (5), số lượng người dùng với nội dung được cập nhật lên mạng xã hội này hàng ngày, hàng giờ nhiều hơn bất cứ nguồn thông tin nào được cập nhật tại Việt Nam.
Tuy nhiên, xem xét từ góc độ tích cực, có thể nói đời sống thông tin và khả năng truyền tải thông tin, truyền thông xã hội trên các phương tiện truyền thông mới cũng tạo ra những thói quen tư duy mới cho quần chúng hiện nay, tiêu biểu như:
Thứ nhất, sự phát triển công nghệ (Internet, điện thoại thông minh, máy tính bản) thu hẹp khoảng cách trong tư duy phân biệt vùng miền. Với điều kiện hiện nay, điện thoại thông minh, Internet là điều kiện cho phép người dân ở các khu vực địa lý, vùng miền, trong cơ cấu phân bố thành thị, ven đô thị, nông thôn, thậm chí miền núi thu hẹp mọi khoảng cách tư duy. Khả năng tiếp cận thông tin, thiết lập quan hệ xã hội, hình thành nhóm xã hội chia sẻ và nâng cao nhận thức bình đẳng như nhau.
Thứ hai, công nghệ và phương tiện truyền thông mới cho phép các giai tầng, các nhóm quần chúng có khả năng thiết lập diễn đàn riêng của mình, một cách thiết thực nhất. Nhóm các nhà khoa học lập group để trao đổi thông tin nghiên cứu, thì một nhóm người trồng cây, làm vườn ở Xuân Quan, Hưng Yên cũng lập group để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa, tiếp cận thị trường mua bán.
Thứ ba, sự thành công và tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ mới là nhận thức và tư duy tiếp cận, giải quyết vấn đề của quần chúng hiện nay. Nếu chỉ xét trên thị trường giao dịch điện tử của công chúng, từ mua sắm, đi du lịch, âm nhạc, thời trang,… đến các mặt hàng thiết yếu của đời sống tại Việt Nam năm 2017 đạt trên gần 2,2 tỷ USD (6). Các thao tác nhận thức, tư duy, hành vi của công chúng như tìm hiểu thông tin, tìm kiếm hướng đi, so sánh và đánh giá giá trị, họ đều sử dụng nền tảng thông tin trên mạng Internet. Sự tương tác xã hội và các phản ứng xã hội cũng từ đó nảy sinh.
|
Hình ảnh tích cực được đăng tải lên Facebook về lực lượng vũ trang giúp người dân sơ tán trong vụ vỡ đê sông Bùi, Chương Mỹ, Hà Nội tháng 7/2018 |
Như vậy, có thể thấy, mạnh dạn sử dụng mạng xã hội và các công cụ truyền thông trên mạng Internet có lợi thế lớn trong việc quảng bá nội dung và phù hợp với tâm lý sử dụng phương tiện truyền thông của quần chúng. Nhiệm vụ truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thống nhất tư tưởng và hành vi của mọi tầng lớp nhân dân muốn có hiệu quả trước hết phải được thông tin nhanh, phù hợp và sát thực tiễn. Những hạn chế một chiều như đề cập ở trên cũng được xử lý có hiệu quả, đạt được sự đồng tình, thống nhất của mọi tầng lớp nhân dân.
2. Công nghệ truyền thông mới góp phần thực hiện công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết 25 (khóa XI) của Đảng
Năm 2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” xác định mục tiêu công tác dân vận trong bối cảnh công nghệ mới là: “Tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân” (7). Đảng ta nêu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận thời kỳ công nghệ như sau: “Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội. Chú trọng việc định hướng và quản lý các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng xã hội; phát huy sức mạnh của dư luận xã hội lành mạnh hỗ trợ cho các biện pháp quản lý của Nhà nước và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.” (8). Rõ ràng, Đảng đã xác định một trong những khâu then chốt, điểm trọng tâm của công tác tuyên truyền, vận động là thông qua “các mạng xã hội” và “phát huy sức mạnh của dư luận xã hội lành mạnh”; qua đó góp phần trực tiếp vào sự thành công và hiệu quả của mọi mặt công tác dân vận.
Những năm qua, những quan điểm, chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân vận mà các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 25 (khóa XI) đã được Đảng lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực quán triệt, triển khai thực hiện và từng bước đi vào cuộc sống. Từ những nhiệm vụ như “tăng cường đối thoại với nhân dân... không để khiếu kiện kéo dài... củng cố niềm tin của nhân dân” đến nhiệm vụ lớn “chống tiêu cực” đã củng cố niềm tin và tăng cường khối đoàn kết cho toàn thể xã hội.
Lực lượng báo chí, truyền thông chính thống trên cả nước, trong đó có các báo điện tử, tạp chí điện tử… đã và đang đảm bảo an toàn thông tin cho đất nước; đảm bảo tốt tính hiệu quả và vẫn giữ vai trò định hướng dư luận, thay đổi nhận thức, hành vi cho Nhân dân. Đến tháng 12/2017, Việt Nam có 195 báo và tạp chí điện tử được cấp phép, trong đó 171 cơ quan báo chí, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử (24 đơn vị báo, tạp chí điện tử độc lập), 178 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí. Mặc dù về số lượng không nhiều so với các loại công cụ truyền thông Internet khác như trang tin điện tử tổng hợp, diễn đàn hay mạng xã hội, nhưng báo chí điện tử vẫn là lực lượng xung kích và nòng cốt trong hoạt động truyền thông chính thống của xã hội, được nhân dân tin tưởng.
Trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận hiện nay, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp để tăng cường vai trò của báo chí truyền thông đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay như sau:
Một là, không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của hoạt động báo chí truyền thông về công tác dân vận. Nghiên cứu phân tích, đánh giá định lượng về các đối tượng truyền thông chủ yếu của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó vận dụng phù hợp, hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong bối cảnh công nghệ mới, phù hợp với bối cảnh xã hội và lớp công chúng mới.
Hai là, nhận thức và áp dụng những đổi mới công nghệ trong hoạt động truyền thông hiện đại, trên tinh thần “không có đầu tư công nghệ, không có đột phá”. Rà soát, đánh giá, hệ thống hoá các công cụ truyền thông ngoài báo chí trên nền tảng Internet và viễn thông di động; loại bỏ những hoạt động, sản phẩm không có chiều hướng tích cực, không mang lại niềm tin cho xã hội. Tập trung đầu tư nhân lực và vật chất cho các sản phẩm sinh động, dễ tiếp nhận, mềm mại, linh hoạt nhằm tạo sự thu hút trong tâm lý tiếp nhận của công chúng. Trước khi tuyên truyền và tạo khối thống nhất, chúng ta cần quần chúng tiếp nhận sản phẩm một cách đơn giản và có tinh thần nhân văn nhất.
Ba là, tuyệt đối duy trì và khẳng định vai trò của hoạt động truyền thông chính thống, tạo dòng thông tin chủ lưu và là tiêu chí thẩm định, đối chiếu thông tin cho toàn xã hội. Chúng ta cần hoạch định lộ trình cho các phiên bản, phương tiện điện tử hình thành trên cơ sở các phương tiện truyền thông chính thống hoà nhập với đời sống truyền thông xã hội, là kênh tập hợp niềm tin và khối đoàn kết quần chúng. Đó mới là nhiệm vụ trọng tâm của phương tiện truyền thông mới trong giai đoạn phát triển công nghệ hiện nay, không nóng vội yêu cầu các phương tiện này vào quy trình tự chủ.
Bốn là, sử dụng triệt để các nguồn lực truyền thông mạng xã hội, phiên bản di động và cách thức truyền thông đa phương tiện nhằm tiếp nhận và chiếm lĩnh mối quan tâm của quần chúng, tạo dựng niềm tin cho quần chúng bằng những thông tin mang chiều hướng tích cực, xây dựng khả năng lan toả cho nhóm thông tin đó.
Năm là, không ngừng tăng cường, củng cố đội ngũ nhân lực thực hiện công tác thông tin, truyền thông để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Trong đó hướng đến việc rèn luyện trẻ hoá, xây dựng các đội ngũ kế cận. Bởi vì tuổi trẻ dễ có sự thấu hiểu, thích nghi và hoà nhịp trong bối cảnh công nghệ mới hiện nay sẽ tạo nên nguồn lực nội dung có giá trị tương thích với sự phát triển xã hội truyền thông.
TS. Nguyễn Sơn Minh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài mã số CS.2017.12 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện và TS. Nguyễn Sơn Minh là chủ trì đề tài)
__________
Chú thích:
(1) https://danso.org/viet-nam/
(2) https://www.slideshare.net/wearesocial/digital-in-2018-in-southeast-asia-part-1-northwest-86866386
(3) https://anninhthudo.vn/phap-luat/nong-khong-co-su-viec-nu-sinh-lop-8-bi-danh-thuoc-me-bat-coc-o-ha-noi/780184.antd
(4) https://vnreview.vn/tu-van-di-dong/-/view_content/content/2262609/top-so-lieu-thong-ke-gia-tri-nhat-ve-facebook-dau-thang-8-2017-phan-2
(5) https://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-co-so-luong-nguoi-dung-facebook-lon-thu-7-tren-the-gioi-20180418145327613.htm
(6) https://www.slideshare.net/wearesocial/digital-in-2018-in-southeast-asia-part-1-northwest-86866386
(7) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-25-NQ-TW-nam-2013-tang-cuong-va-doi-moi-su-lanh-dao-cua-Dang-192709.aspx
(8) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-25-NQ-TW-nam-2013-tang-cuong-va-doi-moi-su-lanh-dao-cua-Dang-192709.aspx, phần III, Nhiệm vụ và Giải pháp