Thứ Bảy, 20/4/2024
Thấm nhuần tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh để vận động mọi người dân góp ý vào dự thảo các văn kiện

Dân vận tự nó đã nói tới dân chủ, nói tới quyền lực thuộc về nhân dân, do đó không một tổ chức nào, một cá nhân nào có thể tùy tiện làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động mọi người dân có nghĩa là phải hỏi dân, học dân, thuyết phục dân dưới nhiều hình thức để dân thông suốt, dân đồng ý trao quyền, ủy quyền và đồng thuận cùng hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh một nguyên tắc đòi hỏi công tác dân vận phải nghiêm túc thực hiện: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh của địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”(2). Chỉ như thế mới huy động được nguồn lực từ dân với ý nghĩa đầy đủ nhất, chắc chắn nhất. Trong thực tế, có những việc làm “theo cách quan liêu” vẫn thành công nhưng không bền vững vì nó ẩn chứa những thất bại hết sức cơ bản, “dù tạm thời may có chút thành công nhưng về mặt chính trị, là thất bại”(3). Về thực chất dân vận còn là một phương thức giáo dục ý thức cách mạng thiết thực nhất để nâng cao dân trí, để không chỉ những cán bộ làm dân vận mà mọi người dân đều ý thức sâu sắc hơn về dân chủ; thông qua cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, được triển khai nghiêm túc trong thực tế sẽ giúp cho mỗi công dân ngày càng hiểu thêm về vị trí, vai trò và trách nhiệm của người chủ đất nước đối với từng công việc, loại bỏ được những sai lệch, tạo lập, giữ vững và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân. Toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó. Chỉ có dân vận thành công chúng ta mới tiến hành chiến tranh nhân dân - chiến tranh cách mạng toàn dân, toàn diện; mới biến đổi từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít thành nhiều, từ cái không thể thành cái có thể; mới vượt qua những hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” để đánh thắng các đế quốc, để đổi mới thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ chỗ “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân” mới có thể đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách và giải pháp cách mạng đúng, mới có sự nhất trí cao trong hành động. Đó là nguyên tắc giành thắng lợi được Đảng và nhân dân Việt Nam nhất quán thực hiện. Hiện nay, toàn Đảng đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ 10 để thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, không chỉ đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các văn kiện mà còn giao Bộ Chính trị chỉ đạo các tiểu ban nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo gửi Đại hội Đảng bộ các cấp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện, sau đó xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội XII của Đảng.

Bàn bạc với dân, xin ý kiến của dân để yên tâm hơn về chất lượng các dự thảo. Mặc dù Hội nghị đã tập trung trí tuệ, tiếp thu trí tuệ từ Đại hội Đảng bộ các cấp nhưng không một chút quan liêu đeo bám mà phải xin ý kiến nhân dân vì “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”(4). Như vậy, cả hệ thống chính trị lại triển khai một công việc lớn mà thực tế cho thấy công việc này không bao giờ đơn giản.

Thứ nhất là khó khăn do những hiện tượng vô cảm, thờ ơ với chính trị, lười suy nghĩ, lười nghiên cứu, tự ti ngại tham gia... Để vượt qua những khó khăn này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp dân vận để động viên nhân dân tham gia. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(5). Phải kiên nhẫn tuyên truyền giải thích “nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần, nói đi, nói lại bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi”(6). Phải dân vận như thế để mọi người dân hăng hái tham gia thì việc xin ý kiến nhân dân mới đạt nhiều mục đích.

Thứ hai là khó khăn do những điểm khác biệt giữa các ý kiến khác nhau. Đây cũng là thực tế khó tránh khỏi, là vấn đề phải quan tâm nhiều. Do quy luật không đều của nhận thức chi phối mà có sự khác nhau về quan điểm, trình độ tri thức, đồng thời cũng không loại trừ những hoạt động cơ hội, chống phá của các thế lực thù địch…

Đối với tất cả những khác biệt, những ý kiến khác nhau thì phải tôn trọng, cân nhắc, lắng nghe, đoàn kết làm sáng tỏ vấn đề để vận động được đông đảo mọi người dân tham gia, nhờ đó mà chắt lọc được trí tuệ toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bài học thực tế từ nước Nga Xô-viết về thực tế kiểm nghiệm, coi trọng dư luận, lắng nghe ý kiến của nhân dân, V.I. Lê-nin đã thừa nhận “quyết định chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa”(7) trong những năm đầu của nhà nước Xô-viết là sai lầm. Đồng thời, với sự thừa nhận ấy là kịp thời đưa chính sách kinh tế mới (NEP) vào áp dụng. NEP đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, sức mạnh của nước Nga và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, đã không chỉ giúp nước Nga đứng vững trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vượt qua khủng hoảng kinh tế - chính trị, nội chiến, bao vây cấm vận và sự tấn công của 14 nước đế quốc mà còn tạo đà cho nước Nga Xô-viết vượt lên nhanh chóng trở thành cường quốc, đủ sức cứu loài người khỏi thảm họa phát xít... Ở Việt Nam cũng đã có những ý kiến khác, thậm chí có cả những hành động khác nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chúng ta phải tôn trọng, ghi nhận những khác biệt không có hại đến lợi ích chung của quốc gia - dân tộc để cân nhắc xem xét, lắng nghe, kể cả những khác biệt “không nguy hiểm lắm” nhằm “không để sót một người dân nào” không vận động, không đẩy bất cứ người dân nào ra khỏi phong trào cách mạng, ra khỏi khối đại đoàn kết.

Đối với những người có biểu hiện khác biệt “không nguy hiểm lắm” thì phải cảm hoá, khoan dung để thuyết phục họ, phải đặc biệt quan tâm đến những người có “tài cán”, có năng lực. Sau khi nước nhà giành độc lập, ngày 12-9-1945, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” Người đã thể hiện rõ quan điểm ấy. Vừa chỉ ra “những khuyết điểm to nhất” ở địa phương là “khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc” vừa đồng thời lưu ý, căn dặn “đối với những người không nguy hiểm lắm thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý làm cho dân kinh khủng”(8). Bởi đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Dù chỉ một ít cũng tìm cách để đồng thuận để nuôi dưỡng, uốn nắn những mầm mống trên cơ sở mẫu số chung là tình yêu Tổ quốc chân chính, như Người nói: "Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ"(10). Đoàn kết để kéo họ trở về với nhân dân cùng toàn dân xây dựng đất nước với ý nghĩa đầy đủ nhất. Có thể nói, nhất quán tư tưởng đúng đắn này, chúng ta đã dân vận tốt, tập hợp được ý kiến của nhân dân ở mọi tầng lớp trong đó có cả đội ngũ những trí thức lớn, những nhân sĩ, những người đã từng "chống chúng ta" được giác ngộ... Nhờ đó chúng ta có đại đoàn kết, có đủ trí tuệ để đại thành công, không chỉ đánh thắng hai đế quốc mà còn đổi mới, vượt lên trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của khủng hoảng kinh tế và sự thoái trào của cách mạng thế giới tác động.

Hiện nay, phát huy truyền thống, chúng ta có thể vận dụng vào việc vận động nhân dân, với tinh thần "không để sót một người dân nào" trong quá trình thực hiện việc tham gia ý kiến với Đảng dưới nhiều hình thức để hoàn thiện các dự thảo văn kiện. Việc thực hiện chủ trương xin ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng là một việc lớn đòi hỏi phải tổ chức dân vận thật tốt, biết rằng, đây là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng tổ chức dân vận các cấp do dân lập ra từ Trung ương đến cơ sở bao giờ cũng là lực lượng đóng vai trò nòng cốt. Vì vậy "cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân lập kế hoạch, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn"(11).

Đường lối, chính sách của Đảng bao giờ cũng quyết định sự thành bại của cách mạng, quyết định khả năng phát triển của đất nước. Vì thế nó phải thật sự là những công trình khoa học cách mạng, hội tụ trí tuệ của toàn dân tộc. Do đó, công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia góp ý để hoàn thiện các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng càng phải được thực hiện nghiêm túc./.
---------------------------------------------------------

(1) (2) (5) (11) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật Hà Nội,
1985, tr.299, 300, 300, 300

(3) (4) (6) (8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật Hà Nội,
1984, tr.516, 518, 340, 19

(7) V.I. Lê-nin toàn tập, tập 44, Nxb TB. M 1978, tr.197 - 199

(9) (10) HCM toàn tập tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.672, 244


Nguồn: http://tapchicongsan.org.vn/ Đỗ Thị Nhường, ngày 23/6/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất