Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh nghiệm vận động quần chúng phòng, chống di cư tự do của các đồn biên phòng biên giới phía Bắc

Đồn biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, do vậy vẫn tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác vận động quần chúng, kết hợp chặt chẽ các biện pháp công tác biên phòng để tham gia đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại âm mưu kích động DCTD của các thế lực thù địch. 

DCTD của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới đã diễn ra từ lâu trong lịch sử và đã để lại nhiều hậu quả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Hiện nay, DCTD vẫn chưa giảm mà lại có xu hướng ngày càng gia tăng, khó kiểm soát, diễn ra trên quy mô lớn cả về địa bàn và số lượng. Chỉ tính riêng ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) từ năm 2009, ban đầu có hơn 100 khẩu, đến nay đã có trên 4.064 hộ, 25.803 khẩu (gấp hơn 130 lần). Hầu hết các tỉnh có đồng bào Mông đều có người DCTD. Hướng DCTD không chỉ diễn ra trong phạm vi từng tỉnh, mà phát triển qua nhiều tỉnh và vượt qua biên giới sang các nước láng giềng.

Tình hình DCTD ở địa bàn khu vực biên giới phía Bắc đã để lại nhiều hậu quả. Về kinh tế, làm cho đời sống của đồng bào mất ổn định, không an tâm sản xuất. Khi chuẩn bị di cư, đồng bào không sản xuất, bán hết tài sản, tư liệu sản xuất, chỉ mang theo những thứ rất thiết yếu. Nên khi phải trở lại hoặc đến nơi mới đời sống vật chất và tinh thần rất khó khăn. Di cư thường gắn với tình trạng phá rừng làm rẫy, phá hoại rừng đầu nguồn, gây tiềm ẩn về thiên tai lâu dài. Về xã hội, tình trạng DCTD làm cho dân số biến động, khó quản lý đối tượng của các địa phương. DCTD làm cho tình trạng tranh chấp đất đai diễn biến rất phức tạp, mâu thuẫn nội bộ trong cộng đồng dân cư tăng lên. Ở những nơi có truyền đạo Tin Lành trái pháp luật, còn phát sinh những phức tạp khác: mâu thuẫn gay gắt trong từng gia đình, dòng họ, thôn bản, giữa những người theo đạo Tin Lành và những người không theo đạo; truyền thống văn hoá của dân tộc bị băng hoại... Về quốc phòng và an ninh, tình trạng DCTD đã gây nên những phức tạp mới về an ninh, trật tự và luôn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Những trường hợp di cư sang Lào vừa gây khó khăn cho bạn, vừa tạo ra những phức tạp trong quan hệ giữa hai nhà nước. Đây là mảnh đất “màu mỡ” để kẻ địch và các phần tử xấu gieo rắc, nuôi dưỡng mầm mống phản động, chống đối chế độ, âm mưu lật đổ chính quyền. 

Thời gian qua, các đồn biên phòng khu vực biên giới phía Bắc đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD đem lại những kết quả tích cực. Các đồn biên phòng đã thực hiện được nhiều dự án về kinh tế - xã hội: khai hoang được 2.380 ha ruộng lúa nước, tạo điều kiện cho hơn 2.172 hộ định canh, định cư; tham mưu cho địa phương quy hoạch 96 điểm dân cư di cư; chuyển trên 60 ha đất trồng màu sang chuyên canh lúa nước; khám bệnh cho hơn 16.088 lượt người; phối hợp xây dựng được 72 làng, thôn, bản văn hoá… Sự tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đã góp phần nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên biên giới, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tạo ra động lực tích cực để đồng bào không DCTD, an tâm lao động sản xuất tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.        

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD ở khu vực biên giới phía Bắc vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót cả trong nhận thức, trong chỉ đạo, xác định chủ trương, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Để công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD đi vào chiều sâu, có hiệu quả các đồn biên phòng xác định tiếp tục triển khai một số nội dung sau:

Một là, nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD, thực chất là cuộc vận động chính trị sâu rộng, được tiến hành trên địa bàn các xã biên giới mà đối tượng chủ yếu là đồng bào các dân tộc. Mọi hoạt động của đồn biên phòng trong đấu tranh ngăn chặn DCTD ở địa bàn đều liên quan đến đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Để hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động đạt kết quả tốt, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng phải luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng; các chính sách về dân tộc, tôn giáo, định canh, định cư, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở miền núi. Thực hiện tốt mọi nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh biên giới phía Bắc. Đồng thời, thường xuyên bám sát tình hình địa bàn để chủ động có chủ trương, biện pháp phù hợp. Trong quá trình vận động quần chúng, đồn biên phòng cần kết hợp chặt chẽ các yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ pháp luật với phong tục tập quán của đồng bào.

Hai là, trong phòng, chống DCTD phải lấy chủ động phòng ngừa là chính. Chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Để phòng, chống DCTD có hiệu quả, đồn biên phòng phải tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, nhất là tổ chức đảng, chính quyền các xã, bản, xây dựng các phong trào mạnh. Xây dựng, tập hợp được đội ngũ cán bộ, già làng, trưởng bản, trưởng họ làm nòng cốt trong tuyên truyền. Thường xuyên tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Giải quyết dứt điểm các vụ, việc gây mất an ninh chính trị ở địa bàn, không để kéo dài, lan rộng, để củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Ba là, phải có niềm tin vào dân, thường xuyên củng cố mối liên hệ gắn bó với quần chúng, kiên trì  vận động nhân dân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới chính là tai, mắt giúp đỡ đồn biên phòng phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu chống phá của kẻ thù. Nhân dân vùng biên giới cũng là người đùm bọc, nuôi nấng, che chở, động viên, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong cuộc sống trên những vùng núi biên cương xa xôi, hẻo lánh. Muốn vậy, đồn biên phòng phải dựa vào dân; giúp đỡ dân, phải có niềm tin và thương yêu đồng bào, gần gũi đồng bào. Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm, kiên trì, nhẫn nại trong quá trình vận động quần chúng quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống DCTD. Vận động quần chúng là một nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, muốn làm tốt phải có cái “tâm” trong sáng thì quần chúng mới tin theo và làm theo.

Bốn là, kết hợp đồng bộ các biện pháp biên phòng. Công tác phòng, chống DCTD là công việc rất gian khổ, phức tạp và nhạy cảm, do vậy các tổ, đội phải thường xuyên bám địa bàn phức tạp, trọng điểm; vừa tuyên truyền vận động, vừa nắm tình hình, vừa quản lý địa bàn, vừa quản lý đối tượng. Kết hợp chặt chẽ biện pháp vận động quần chúng với các biện pháp khác. Khi vụ việc xảy ra phải làm tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý đúng theo pháp luật. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình của quần chúng, nhất là già làng, trưởng bản, nhanh chóng phân hóa đối tượng, thu hẹp phạm vi ảnh hưởng, tránh sơ hở để kẻ địch kích động, lôi kéo quần chúng.
 
Năm là, chăm lo, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực quản lý kinh tế, khoa học - kỹ thuật, vấn đề dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, chiến sĩ đội vận động quần chúng. Để công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD có hiệu quả phải chăm lo xây dựng đội vận động quần chúng đủ số lượng, có chất lượng cao. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên được bồi dưỡng về kiến thức, pháp luật và các lĩnh vực quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, vấn đề dân tộc, tôn giáo; có năng lực, phẩm chất đạo đức, nói được tiếng dân tộc trên địa bàn. Chú trọng đào tạo, tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ là người địa phương biên chế vào tổ, đội vận động quần chúng.

Sáu là, công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cấp, các ngành. Giải quyết DCTD ở khu vực biên giới phía Bắc là vấn đề lớn, mang tính xã hội phức tạp. Vì vậy, đối với công tác vận động quần chúng phòng, chống DCTD phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; sự quản lý, chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự chỉ huy của Bộ đội Biên phòng các cấp luôn là nhân tố quyết định sự thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các lực lượng là cần thiết trong  phòng, chống DCTD của các đồn biên phòng ở khu vực biên giới phía Bắc.

 
Nguồn: xaydungdang.org.vn/ Nguyễn Trung Thanh, ngày 24/6/2015


Gửi cho bạn bè