Chiều 29/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột
(Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo vai trò, vị thế phụ nữ dân tộc thiểu
số và kinh nghiệm trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn
giáo ở khu vực Tây Nguyên.
Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những năm qua,
với vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam đã coi công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo là một
trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động trong hệ thống Hội; đồng thời tập trung nguồn lực
chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm.
Các cấp hội đã tích cực đẩy
mạnh việc xây dựng các mô hình hoạt động nhằm đưa phong trào phát triển
đồng đều cả về số lượng và chất lượng. Các mô hình, các cuộc vận động,
các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội đã không
ngừng khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của hội viên, phụ nữ dân tộc
thiểu số, tôn giáo.
Cán bộ hội vùng dân tộc thiểu số trên địa
bàn cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực…
Đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số,
tôn giáo từng bước được nâng lên. Chị em đã vượt qua những khó khăn
trong đời sống, ràng buộc về lễ nghi tôn giáo và hủ tục lạc hậu, tích
cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…
Tuy
nhiên, tình hình phụ nữ và công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số,
tôn giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực
tiễn. Một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác vận động phụ nữ dân
tộc thiểu số, tôn giáo. Hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới,
chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển còn thiếu đồng bộ.
Công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới, về xây dựng gia đình
chưa được thường xuyên…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi
thông tin về tình hình phụ nữ, công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu
số, tôn giáo, những kinh nghiệm thúc đẩy vai trò, vị thế của phụ nữ dân
tộc thiểu số và công tác vận động phụ nữ khu vực Tây Nguyên. Các đại
biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp như hình thức tuyên truyền, giáo
dục, cách tiếp cận để thúc đẩy vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu
số, phụ nữ tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên mang lại hiệu quả, thiết thực
hơn.
Các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tham luận của các tỉnh,
ban, ngành Trung ương như: Kinh nghiệm thúc đẩy vai trò, vị thế của phụ
nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội của Ban Dân vận tỉnh Lâm
Đồng; phụ nữ dân tộc thiểu số trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát
triển kinh tế xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo của Hội Liên
hiệp Phụ nữ Đắk Lắk; kinh nghiệm vận động phụ nữ có đạo tham gia các
phong trào hoạt động Hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức mạnh, huyện Đắk
Min, tỉnh Đắk Nông...
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã
có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên
nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về sản xuất, đời sống
cho đồng bào các dân tộc, tạo động lực giúp phụ nữ dân tộc thiểu số Tây
Nguyên vươn lên, từng bước khẳng định vị thế của mình trong gia đình và
xã hội; ngày càng có nhiều chị em tham gia công tác xã hội, tham gia
lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, doanh nhân… có nhiều đóng góp
quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và Tây
Nguyên nói riêng.
Nguồn: TTXVN/ Quang Huy, ngày 29/6/2015