Năm 1949, trong bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ
ai là người làm công tác dân vận. Người viết: “Tất cả cán bộ chính
quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân
dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”.
“Đoàn thể” được Người nói đến ở đây chính là Đảng. Vì trong
giai đoạn đó, Đảng ta rút vào hoạt động bí mật. Như vậy, lực lượng làm
công tác dân vận không chỉ là những người chuyên trách công tác dân vận
mà còn có tất cả những người trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể
cùng tham gia.
SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA ĐẢNG
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng do dân tổ chức nên. Vì vậy, Đảng phải
xây dựng, phát triển tổ chức của mình cả về đường lối, học thuyết, tư
tưởng, cả về nhân cách cán bộ, đảng viên, phương thức hoạt động trong
mối quan hệ với nhân dân và Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi cao của nhân dân
và trình độ phát triển của đất nước. Thắng lợi của cách mạng gồm hai
nhân tố có tính quyết định là đường lối lãnh đạo đúng đắn của một đảng
cách mạng chân chính và nhân dân. Đảng không có nhân dân thì không đủ
lực lượng, ngược lại dân không có Đảng thì không có người dẫn đường. Vấn
đề sâu xa hơn trong tư tưởng của Người chính là: Đảng có vững cách mạng
mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.
Đảng vững cần nhiều yếu tố, nói như Người thì Đảng phải là đạo đức, là
văn minh. Để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng phải không ngừng đổi mới và
chỉnh đốn để thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại diện
cho lợi ích chân chính của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của
cả dân tộc, phải ra sức gắn bó mật thiết với nhân dân “Mỗi chi bộ của
Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt
chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực
lượng vĩ đại của quần chúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Đảng không phải là một tổ chức để
làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm
cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Muốn vậy, Đảng phải có
đường lối, chính sách và phương thức lãnh đạo phù hợp trong từng giai
đoạn để động viên được cao nhất sức dân tham gia, vì “Khi nhân dân giúp
đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp
đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Đảng phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với dân, đó chính là
chăm lo lợi ích và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của
nhân dân, thậm chí từ việc nhỏ nhất là lo tương, cà, mắm, muối. Để dân
thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ không được đến trường là Đảng có lỗi. Chủ tịch
Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, ngoài lợi ích của nhân dân
và dân tộc thì Đảng không có lợi ích nào khác. Trong thực hiện công tác
dân vận, phải làm sao “biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết
tâm của quần chúng”. Điều này phụ thuộc vào mức độ gắn bó giữa Đảng với
nhân dân được Người đúc kết thành 4 điều: “Luôn luôn gần gũi nhân dân;
Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân; Học hỏi nhân dân; Lãnh đạo nhân
dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân
dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân
dân”. 4 điều này có quan hệ mật thiết với nhau “Vì không gần gũi dân thì
không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những
kinh nghiệm và sáng kiến của dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo
được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy của dân”.
TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG VỚI DÂN
Vấn đề thực hành và mở rộng dân chủ trong Đảng được Chủ tịch Hồ Chí
Minh chú trọng, xem đó là một trong những nội dung cơ bản để tăng cường
mối quan hệ giữa Đảng với dân, Người khuyến khích việc mời “anh em ngoài
tham gia, phát biểu, phê bình”, nhất là lấy ý kiến đóng góp của nhân
dân với Đảng “Nhân dân ta rất yêu mến Đảng ta. Phải khuyến khích nhân
dân góp phần xây dựng Đảng như: góp ý kiến với chi bộ trong việc tuyển
chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Làm được như thế, mối
quan hệ giữa Đảng và nhân dân sẽ càng thêm mật thiết”.
Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân còn được thể hiện qua mỗi đảng
viên. Họ là người thay mặt Đảng giải thích chính sách của Đảng và nhà
nước cho quần chúng hiểu rõ và thực hiện. Vì thế, nếu đảng viên làm tốt
chức trách, nhiệm vụ của mình thì sẽ là cầu nối vững chắc giữa Đảng với
nhân dân, ngược lại thì sẽ xa dân, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, quan liêu,
hủ hóa khiến dân mất lòng tin vào Đảng ở cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương. Bởi theo Người, “muốn cho
quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong
làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”.
Như vậy, Đảng phải gần dân, nghe dân, hiểu dân, có trách nhiệm với
dân, khi có khuyết điểm thì thẳng thắn phê bình, cầu thị, nhận khuyết
điểm, tìm ra giải pháp khắc phục. Đó mới là một Đảng mạnh. Đảng phải
biết dựa vào nhân dân để lãnh đạo, dù việc lớn hay nhỏ đều bàn bạc với
nhân dân, vì không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn/ Nhật Hạ, ngày 4/7/2015