Thứ Năm, 19/9/2024
Tổng kết kế hoạch triển khai thực hiện Đề tài độc lập cấp Quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
 
Quang cảnh Hội nghị 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Đề tài. 

Dự Hội nghị có đồng chí Điểu K'ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực; các Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Bùi Tuấn Quang, Đỗ Văn Phới, Nguyễn Lam, Nguyễn Phước Lộc; các đồng chí Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Nguyễn Thế Trung, Nguyên Phó Trưởng Ban thường trực, Nguyễn Văn Hùng, Hà Ngọc Anh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước Đề tài; các thành viên tham gia Đề tài; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Khoa học và công nghệ và đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, đồng chí Hà Ngọc Anh, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Đề tài báo cáo quá trình triển khai và kết quả nghiên cứu Đề tài. Theo đó, Đề tài độc lập cấp Quốc gia ĐTĐLXH.11/18 bắt đầu triển khai từ 1/6/2018 với các nội dung công việc hoàn thành trong 3 năm (2018 - 2021). Cho đến nay, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khoa học, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ nghiên cứu.

Hoạt động khảo sát, nghiên cứu trong nước và nước ngoài thực hiện theo đúng kế hoạch đã được duyệt, đạt hiệu quả chất lượng so với mục tiêu đặt ra. Công tác phối hợp với các bộ ngành, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan được thực hiện nhịp nhàng, chặt chẽ. 6 sản phẩm chính của Đề tài trải qua 4 lần dự thảo trước khi xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đề tài đã hoàn thành trước tiến độ 5 tháng theo hợp đồng nghiên cứu; tổ chức thêm 2 hội thảo toàn quốc (kế hoạch tổ chức 3 hội thảo) với 25 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành vượt 20 bài (đăng ký thuyết minh là 5 bài báo). Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc đưa vào nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận.

Trao đổi tại Hội nghị, các ý kiến đều đánh giá Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã được thực hiện công phu, nghiêm túc, đầy đủ, bài bản. Theo GS,TS. Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, đây là đề tài quan trọng, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng ta đặt ra đối với công tác dân vận. Đồng thời, cũng là một đề tài lớn, đồ sộ, có tính tổng kết cao, đã khái quát phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận hơn 90 năm qua.

 
GS,TS. Lê Hữu Nghĩa phát biểu tại Hội nghị


PGS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tạo nên sự thành công của Đề tài có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí chủ nhiệm, các đồng chí phó chủ nhiệm, đảm bảo Đề tài đạt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu 3 kinh nghiệm về công tác nghiên cứu đề tài độc lập cấp quốc gia của Ban Dân vận Trung ương, đó là: xác định tên, nội dung nghiên cứu đề tài, chủ nhiệm đề tài; huy động các nhà khoa học trong nghiên cứu đề tài và tăng cường phối hợp nghiên cứu giữa Ban Dân vận Trung ương với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số cơ quan khác.

Phát biểu tại Hội nghị, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Đề tài khẳng định: Kết quả nghiên cứu Đề tài độc lập cấp Quốc gia ĐTĐLXH.11/18 rất thành công với nhiều điểm mới. Qua đó cho thấy một mô hình công tác nghiên cứu khoa học về một vấn đề thực tiễn rất cụ thể với sự phối hợp giữa một cơ quan nghiên cứu và một cơ quan tham mưu của Đảng. Cách xây dựng, triển khai Đề tài đồng tuyến với cách tiếp cận trong xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cùng với quá trình nghiên cứu là kiến nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã chắt lọc kết quả nghiên cứu để đóng góp Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và xây dựng các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

 
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội nghị 

GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết thêm, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã sử dụng các kết quả nghiên cứu của Đề tài để cập nhật, đưa vào giáo trình cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị và tài liệu bồi dưỡng kiến thức công tác dân vận cho các trưởng, phó ban dân vận tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Dân vận Trung ương tiếp tục phối hợp để đưa kết quả nghiên cứu của Đề tài ứng dụng, đi vào thực tiễn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài trân trọng cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học… đã đóng góp vào sự thành công của Đề tài.

 
 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị


Nhắc lại một số nội dung về công tác dân vận trong Nghị quyết XII của Đảng, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng: Đề tài được triển khai cùng với việc cập nhật, làm rõ một số vấn đề mới như kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Đề tài khoa học xã hội bao giờ cũng khó; đề tài này khó hơn vì có nhiều việc đang tiếp tục được nghiên cứu. Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện Đề tài số lượng không nhiều, cũng là những khó khăn triển khai Đề tài. Song song với thực hiện Đề tài, Ban Dân vận Trung ương còn triển khai 33 đề án trong đó có 17 đề án trực tiếp báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Các đề án này đều đóng góp quan trọng vào kết quả nghiên cứu Đề tài.

Cảm ơn Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp thu ý kiến góp ý của Ban Dân vận Trung ương và Ban Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐLXH.11/18 vào nội dung văn kiện, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp thu các ý kiến và triển khai kế hoạch định hướng sử dụng các kết quả nghiên cứu Đề tài cho công tác dân vận của Đảng trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Hà Thanh



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất