Sáng
17/8, Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng tổ chức Tọa đàm khoa học Một số
giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại thành phố Hải Phòng.
Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dự và chỉ đạo Tọa đàm. Đồng chí Lê Trí Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy chủ trì Tọa đàm. Dự Tọa đàm có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các vụ, viện thuộc Ban Dân vận Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các nhà khoa học và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị về nội dung kỷ yếu Tọa đàm khoa học của Ban Dân vận Thành ủy. Đồng chí nhấn mạnh: Tọa đàm chính là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố về phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực tế thời gian qua, Đảng bộ thành phố đã thực hiện có hiệu quả phương châm trên theo hướng thực chất, hiệu quả và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ trong công tác giải phóng mặt bằng chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, tại Tọa đàm, các cơ quan, đơn vị cần chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo từ thực tiễn của cơ sở để bổ sung về mặt lý luận về lĩnh vực này, có thể lấy đó làm căn cứ nhân rộng toàn quốc. Ban Dân vận Thành ủy tổng hợp các ý kiến, tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện; đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cụ thể hóa, thực hiện tốt hơn phương châm này tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Qua đó, phát huy vai trò làm chủ của người dân, nhất là giải quyết các vấn đề người dân bức xúc, từ đó đúc kết thành vấn đề về lý luận, thực tiễn để tiếp tục tham mưu với Thành ủy sớm ban hành Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng công tác dân vận trong việc thực hiện dân chủ, đề xuất các giải pháp để xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Những năm qua, trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành cấp phố đã cụ thể hóa, mở rộng thực hiện dân chủ ở các khu vực, loại hình (xã, phường, thị trấn; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp); kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã đi vào nền nếp, dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp được triển khai bài bản, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp từng bước có chuyển biến. Người dân ngày càng quan tâm đến nghiệp đổi mới và phát triển thành phố; xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tôn trọng và phục vụ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; tích cực, chủ động, tự giác tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, giám sát việc thực thi chính sách, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức, viên chức...
Trong quá trình chuẩn bị Tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được 30 bài tham luận của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố để biên tập thành Kỷ yếu Tọa đàm.
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, tại buổi Tọa đàm khoa học, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ một số vấn đề: Căn cứ lý luận và thực tiễn của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với “dân thụ hưởng” tại thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2015 - 2020; những yếu tố tác động, ảnh hưởng và bài học kinh nghiệm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại thành phố Hải Phòng thời gian qua. Kết quả ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với “dân thụ hưởng” của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị; nhất là trong một số lĩnh vực mới, có tính đặc thù, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.
Các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề và yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đề xuất giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại thành phố Hải Phòng thời gian tới; giải pháp tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp tổ chức thực hiện của tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung, hình thức, cơ chế thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực; nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực của người dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở...
(haiphong.gov.vn)