(Danvan.vn)
Sáng 18/4, Hội đồng Khoa học Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị
nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học “Công tác dân vận góp phần xây
dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu
số các tỉnh Tây Nguyên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây
dựng nông thôn mới”, mã số KHBĐ (2021) - 18 do ThS. Lê Công Kỷ, Chuyên
viên cao cấp, Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại thành phố
Đà Nẵng (T26) làm Chủ nhiệm.
|
Đồng chí Bùi Tuấn Quang, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Đề tài phát biểu tại Hội nghị
|
Hội nghị nghiệm thu được diễn ra theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trụ sở cơ quan Ban Dân vận Trung ương tại Hà Nội và điểm cầu T26. Hội đồng nghiệm thu Đề tài gồm 7 thành viên, do ThS. Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Dân vận Trung ương là Chủ tịch Hội đồng.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; TS. Hà Ngọc Anh, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các Ủy viên Hội đồng Khoa học cơ quan và đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.
Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã nghe Chủ nhiệm đề tài trình bày ngắn gọn kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài. Theo đó, công tác dân vận trong việc xây dựng, phát huy vai trò của các mô hình tự quản trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đây được coi là một trong những phương thức, là giải pháp hiệu quả để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cụ thể hóa thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm huy động sức mạnh toàn dân thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính vì vậy, trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn công tác dân vận góp phần xây dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đề tài khoa học KHBĐ (2021) - 18 đã đánh giá thực trạng công tác dân vận trong việc xây dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; từ đó đề xuất các giải pháp về công tác dân vận góp phần xây dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
|
Đồng chí Lê Công Kỷ, Chủ nhiệm Đề tài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu chính của Đề tài
(Ảnh chụp màn hình trực tuyến)
|
Các kết quả nghiên cứu chính của Đề tài cho thấy: Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong việc xây dựng, hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, còn nhiều vấn đề cần quan tâm chỉ đạo, cần có những giải pháp đồng bộ, thống nhất để tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn nữa trong quá trình xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản để sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Tây Nguyên.
Sau khi nghe Chủ nhiệm đề tài trình bày các kết quả nghiên cứu chính, các thành viên Hội đồng nghiệm thu và một số đại biểu tham dự đã lần lượt nhận xét phản biện, phát biểu ý kiến đóng góp, bổ sung. Các ý kiến đều cho rằng đề tài có tính cấp thiết, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề tài được triển khai nghiêm túc, công phú; có kết cấu rõ ràng, phương pháp tiếp cận vấn đề cơ bản phù hợp. Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu tối đa, chọn lọc ý kiến của các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài.
Hội đồng đã nhất trí nghiệm thu cấp cơ sở Đề án "Công tác dân vận góp phần xây dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới"./.
Tin và ảnh: Hà Thanh