Hệ
thống dân vận tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho
cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; kịp thời
nắm bắt tình hình nhân dân, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải
quyết một số vấn đề nổi cộm, phát sinh ở cơ sở.
|
Toàn cảnh hội thảo.
|
Chiều 31/5, tại TP Sầm Sơn, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội thảo.
Xác định xã, phường, thị trấn có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính trị, đặc biệt trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Cấp ủy một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên về công tác dân vận.
Công tác dân vận chính quyền cấp xã chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác phối hợp của chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể nhiều nơi chưa hiệu quả; một số ít cán bộ, công chức chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Việc thực hành Quy chế dân chủ ở một số nơi chưa tốt. Vai trò tham mưu của khối dân vận, tổ dân vận còn hạn chế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, những hạn chế, yếu kém, đồng thời chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ thực tiễn công tác, các đại biểu đã đề xuất các phương thức, giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn; phân tích, làm rõ kinh nghiệm, cách làm thực tế trong công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn; kiến nghị, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham luận của đại biểu tại hội thảo; đồng thời đề nghị trong thời gian tới hệ thống dân vận cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết một số vấn đề nổi cộm, phát sinh ở cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Dân vận khéo”; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể cấp xã.
Đồng chí cũng yêu cầu, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khối dân vận và công tác dân vận ở cơ sở; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy và phát huy vai trò, hoạt động của khối dân vận cấp xã. Nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền, hoạt động của khối dân vận, MTTQ, các đoàn thể cấp xã và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thực sự “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
(baothanhhoa.vn)