Thứ Ba, 17/9/2024
Nghiệm thu cấp bộ (ban Đảng) Đề án “Công tác dân vận tham gia thúc đẩy bình đẳng giới tại các tỉnh miền núi Tây Bắc”
 
Quang cảnh Hội nghị nghiệm thu 


Hội đồng nghiệm thu Đề án gồm 7 thành viên, do TS. Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng.

Tại Hội nghị nghiệm thu, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề án, ThS. Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Đề án đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề án. Kết quả khảo sát thực trạng cho thấy các tầng lớp nhân dân trong khu vực đã hiểu được về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, hiểu được các lĩnh vực bình đẳng, tập trung vào một số các nội dung quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các cấp, các ngành ở địa phương đã quan tâm đến hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Đa số những người được hỏi đều nhận thức được những nội dung liên quan đến bình đẳng giới, một số quan điểm cho rằng nam giới được tự do hơn, những thực tế trong nghiên cứu này cho thấy dù là nam hay nữ đều có quyền tự do trong cuộc sống, trong công việc và trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội.

 
 Đồng chí Ngọ Văn Khuyến trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề án


Trong những năm qua, công tác dân vận của các địa phương khu vực miền núi Tây Bắc đã có những đóng góp tích cực trong việc thay đổi nhận thức về bình đẳng giới và công tác bình đẳng giới tại các địa phương. Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới tại các tỉnh miền núi Tây Bắc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Ở nhiều thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng phụ nữ sinh đẻ tại nhà, làm hạn chế quyền được hưởng các dịch vụ y tế của phụ nữ. Sự tiếp cận thông tin và nhận thức của người dân về công tác bình đẳng giới còn hạn chế, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân, quan niệm sinh con cái, coi nhẹ vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, di cư khỏi địa phương vẫn còn, dẫn tới nguy cơ bị bạo lực và bị mua bán. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình nhưng có tâm lý muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra. 

Từ việc nghiên cứu thực trạng và tổng quan các tài liệu, Ban Chủ nhiệm Đề án đề xuất 5 nhóm giải pháp để công tác dân vận tham gia thúc đẩy bình đẳng giới tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, bao gồm: Giải pháp công tác dân vận tham gia góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; Giải pháp công tác dân vận tham gia hoàn thiện và củng cố hệ thống quy định, pháp lý, thực hiện các chính sách, chủ trương nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; Giải pháp công tác dân vận tham gia thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: Chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế và bình đẳng giới trong gia đình; Giải pháp công tác dân vận tham gia tuyên dương, khen thưởng và lan rộng các mô hình tiêu biểu trong thúc đẩy bình đẳng giới và các giải pháp khác. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Đề án nêu một số kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng đoàn Quốc hội; Ban Cán sự đảng Chính phủ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp; Ban Dân vận cấp ủy các cấp.

 
TS. Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
phát biểu tại Hội nghị nghiệm thu
 


Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu và một số đại biểu tham dự đã lần lượt nhận xét phản biện, phát biểu ý kiến. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá: Đề án được thực hiện công phu, nghiêm túc, tâm huyết. Ban Chủ nhiệm Đề án đã có cách tiếp cận vấn đề đảm bảo logic; phương pháp nghiên cứu phù hợp; các sản phẩm đảm bảo số lượng và yêu cầu của một đề án khoa học. Đề án có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng cao. Bên
 cạnh các kết quả đạt được, Đề án còn một số hạn chế, tồn tại. Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề án cân nhắc, tiếp thu các yêu cầu, kiến nghị sửa chữa, bổ sung để hoàn thiện Đề án.

 
 Các thành viên Hội đồng Nghiệm thu, Ban Chủ nhiệm Đề án và các đại biểu dự Hội nghị nghiệm thu


Kết quả, Hội đồng nhất trí thống nhất nghiệm thu Đề án “Công tác dân vận tham gia thúc đẩy bình đẳng giới tại các tỉnh miền núi Tây Bắc” đạt loại Khá./.

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất