Thứ Ba, 28/1/2025
Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững”
 
Quang cảnh Hội nghị 


Hội đồng nghiệm thu Đề tài có 7 thành viên do ThS. Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Dân vận Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng; các thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công tác dân tộc, công tác dân vận...

Tại Hội nghị nghiệm thu, đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu. Theo đó, Đề tài được thực hiện với mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đưa ra giải pháp nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, Đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận về nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; đánh giá thực trạng nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững giai đoạn (2011 - 2021); đề xuất các giải pháp cụ thể để đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững giai đoạn (2021 - 2030).

 
TS. Phạm Tất Thắng, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại Hội nghị 


Trong phần Thực trạng nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng nội dung vận động (bao gồm: Vận động cán bộ, người dân và cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS nắm bắt, tham gia triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; Vận động đồng bào DTTS bảo tồn văn hóa, tri thức truyền thống có giá trị, thay đổi những tập quán không còn tích cực và tiếp nhận những kiến thức mới, giá trị mới phù hợp, hiệu quả trong sản xuất, đời sống; Vận động cộng đồng, người dân ở vùng đồng bào DTTS hỗ trợ, tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; Vận động xây dựng phong trào thi đua, thực hiện khen thưởng các gương điển hình tiên tiến là cộng đồng, người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi) và thực trạng phương thức vận động (bao gồm: Vận động qua các phương tiện truyền thông; Vận động qua mạng xã hội; Vận động qua tổ chức các hội nghị; Vận động trực tiếp qua các mô hình thực tế; Vận động thông qua tổ chức sự kiện, truyền thông lưu động, biểu diễn nghệ thuật, in ấn các tài liệu, tờ rơi; Vận động qua đội ngũ cán bộ, người có uy tín; Vận động qua hệ thống thư viện, tủ sách, điểm bưu điện, nhà văn hóa, trường học).

Kết quả nghiên cứu của Đề tài cho thấy có một số vấn đề đặt ra, đó là: (1) Đồng bào các DTTS, vùng DTTS đang đứng trước “nguy cơ” bị bỏ lại phía sau và tụt hậu ngày càng xa hơn so với sự phát triển chung của đất nước. (2) Một số vùng DTTS đặc trưng và một số DTTS số đang đứng trước “nguy cơ” mất bản sắc văn hóa dẫn đến sự không tồn tại trong đời sống thực tiễn. (3) Tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. (4) Bất bình đẳng và phân hóa xã hội gia tăng cùng với tác động của “Diễn biến hòa bình”dẫn đến “nguy cơ” mâu thuẫn, xung đột diễn ra ở vùng DTTS rất khó kiểm soát. (5) Hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS còn nhiều bất cập. (6) Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến dân tộc, công tác dân tộc còn bộc lộ một số bất cập. (7) Bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới có những vấn đề tác động không tích cực đến đoàn kết các dân tộc trong nước.

Đề tài đề ra 3 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; Nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế, chính sách để phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; Nhóm giải pháp về phát huy vai trò của các lực lượng, cá nhân trong công tác vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tại Hội nghị, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Đề tài được thực hiện công phu, nghiêm túc, có chất lượng tốt, mang giá trị nghiên cứu và giá trị thực tiễn cao. Mục tiêu và các nhiệm vụ đề tài đã được giải quyết cơ bản theo đúng định hướng. Với phương pháp nghiên cứu phù hợp, Đề tài phân tích sâu thực trạng, sát với tình hình thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp có giá trị, có tính thực tiễn, khả thi.

 
ThS. Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở phát biểu tại Hội nghị 

 

Để Đề tài đạt chất lượng tốt nhất, Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đề tài bổ sung một số nội dung và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.

Kết quả, Hội đồng đã nhất trí nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững”.

Tin và ảnh: Mai Khôi

Gửi cho bạn bè

Các tin khác