|
Quang cảnh Hội thảo |
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; TS Đặng Luận - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum.
Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban tổ chức đã tiếp nhận và tuyển chọn 46 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III, từ các cơ quan nghiên cứu, các trường chính trị, sở, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh Kon Tum và các địa phương vùng Tây Nguyên.
Qua 2 phiên làm việc với 3 tham luận được trình bày cùng 4 ý kiến phát biểu thảo luận và 5 chuyên gia, cán bộ hoạt động thực tiễn thảo luận trao đổi bàn tròn, hội thảo đã tập trung bàn luận các vấn đề về: Đặc điểm, nội dung, phương thức công tác vận động quần chúng ở cơ sở của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; Thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, khu vực nông thôn, công tác vận động già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; giải pháp và định hướng chính sách về công tác vận động quần chúng ở cơ sở,…
Nhìn chung, các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã nhìn nhận, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác vận động quần chúng ở cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó, các đại biểu dự hội thảo đã làm rõ và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, có tính thực tiễn cao như:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc.
Đổi mới công tác vận động quần chúng trong các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tập trung tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, khu vực nông thôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS, miền núi và biên giới vững mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về dân tộc và miền núi.
Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào DTTS vững mạnh; phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; ngăn chặn có hiệu quả vấn đề truyền đạo trái pháp luật, tình trạng mua bán người, việc móc nối đưa người đi lao động nước ngoài bất hợp pháp.
Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng nguồn cán bộ DTTS đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận, vận động quần chúng ở cơ sở vùng đồng bào DTTS; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào DTTS.
Phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào DTTS, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết cho người có uy tín về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đồng bào DTTS, tôn giáo, nông dân và khu vực nông thôn.
Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp và chắt lọc để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng về các giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình mới.
(baokontum.com.vn)