(Danvan.vn) Sáng ngày 20/12, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị Đánh giá cấp cơ sở Đề tài trọng điểm quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” (mã số KX.04.11/21-25) do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Chủ nhiệm Đề tài.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Hội đồng đánh giá cấp cơ sở có 7 thành viên do PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng; các thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công tác dân vận.
Dự Hội nghị có các đồng chí: TS. Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Đề tài KX.04.11/21-25; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Ban Chủ nhiệm và các thành viên tham gia Đề tài KX.04.11/21-25.
Tại Hội nghị, đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, trong đó nhấn mạnh: Từ quan điểm “dân làm gốc” trong lịch sử, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, các kỳ Đại hội của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tập trung ở sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng. “Nhân dân là Trung tâm” là bước phát triển mới cả về tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong thời gian qua.
|
Đồng chí Đào Đoan Hùng, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương
đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài trình bày Báo cáo tại Hội nghị |
Chính vì vậy, Đề tài KX.04.11/21-25 đã xác định những vấn đề, khoảng trống cần tập trung giải quyết đó là: (1) Nghiên cứu, hệ thống hóa, bổ sung những vấn đề lý luận nhằm làm sâu sắc hơn bài học “Dân là gốc”, ‘‘Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Làm rõ quá trình nhận thức và vận dụng ở Việt Nam. (2) Phân tích, đánh giá thực trạng và rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. (3) Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đối với việc thực hiện bài học trong tình hình mới. (4) Xác định những vấn đề đặt ra, đề xuất yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đề tài được cấu trúc thành 3 phần: Mở đầu, nội dung nghiên cứu, kết luận và kiến nghị. Trong đó phần nội dung nghiên cứu được kết cấu thành 3 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận về bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chương 2: Thực trạng vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chương 3: Phương hướng và giải pháp thực hiện bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
|
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng
phát biểu tại Hội nghị |
Nổi bật là Đề tài đã có nhiều điểm mới về lý luận, về thực tiễn, bao gồm:
Thứ nhất, làm rõ nhận thức về vị trí, vai trò của hạt nhân lãnh đạo chính trị của Đảng trong hệ thống chính trị; về vai trò “lãnh đạo” và vai trò “cầm quyền” của Đảng trong thể chế chính trị “nhất nguyên”.
Thứ hai, nghiên cứu sâu sắc Quan điểm về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, nghiên cứu làm rõ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể và tầm quan trọng của nhân dân với tư cách là chủ thể duy nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thứ tư là, nghiên cứu làm rõ nội dung, phương thức và yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - lấy người dân làm trung tâm trong trong cơ chế vận hành, thực hiện dân chủ ở các loại hình.
Thứ năm là, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” góp phần xây dựng nội dung văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những chủ trương, giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay, nghiên cứu làm sâu sắc hơn lý luận về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ sáu là, nghiên cứu làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng Dân trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Những quan điểm, chủ trương đúng đắn, kịp thời đó đã mang lại những kết quả quan trọng trong việc đảm bảo sự thống nhất giưa Ý Đảng với Lòng Dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu Đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cấp cơ sở cũng thẳng thắn góp ý, chỉ ra những điểm chưa hợp lý, cần điều chỉnh để Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.04.11/21-25 nghiên cứu tiếp thu.
|
TS. Hà Ngọc Anh, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phản biện 1
phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng đánh giá cấp cơ sở, PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, đầu tư nghiên cứu công phu của Ban Chủ nhiệm và các đồng chí thành viên tham gia. Đề tài đã được hoàn thành bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng; kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến đánh giá, đóng góp của các thành viên Hội đồng để bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung trước khi bảo vệ cấp quốc gia.
|
PGS. TS. Phạm Văn Linh phát biểu kết luận Hội nghị |
Kết quả, sau khi bỏ phiếu đánh giá Đề tài, Hội đồng đánh giá cấp cơ sở đã nhất trí đánh giá Đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” ở mức Đạt với kết quả xếp loại xuất sắc./.
Tin và ảnh: Hà Thanh