Với
tầm cao trí tuệ, vận dụng sáng tạo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai
trò của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng, Bác Hồ đã thường xuyên
quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về công tác dân vận, không ngừng
củng cố, bồi đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đó chính
là cội nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu của cách mạng Việt Nam.
|
Bệnh
viện Quân y 105 tổ chức tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí
cho các đối
tượng chính sách. Ảnh: QUÂN HƯỞNG |
Tư tưởng và lý luận về dân vận của
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu cho hôm nay và các thế hệ
mai sau. Bằng những lời lẽ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, Người luôn căn dặn chúng
ta: "Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, lực
lượng chính là ở dân", "Thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu hy
sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu nhân dân", "Có dân là
có tất cả", "Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân", "Việc
dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc
gì cũng thành công".
Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên
giá trị và tính thời sự. Bài học lịch sử của đất nước đã khẳng định, khi nhân
dân ta đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng thì nhất định chiến thắng thiên
tai, địch họa, giữ yên bờ cõi, đất nước được thái bình, thịnh vượng.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách
mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau, nhưng đều nhằm mục
tiêu vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong
trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Nhờ làm tốt công tác dân vận, thực hành
dân vận khéo mà toàn dân đã tích cực tham gia các phong trào thi đua trên tất
cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…, tạo sức mạnh vật
chất, tinh thần to lớn của cách mạng.
Ngay từ buổi đầu của cách mạng, Đảng
ta đã khẳng định: Công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý
nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng nước ta. Những cán bộ, đảng
viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương
"vô sản hóa", thực hiện "ba cùng" với dân, tuyên truyền,
giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung
quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ:
"Đem sức ta mà giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân
dân ta đã nhất tề đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa; từ địa vị người nô lệ, nhân dân ta đã trở thành
người làm chủ đất nước.
Tiếp đó, trong những năm kháng chiến
và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống
nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ
làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ
đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm
vụ mà Đảng giao phó. Nhân dân tin tưởng và che chở cho cán bộ khi bị địch truy
lùng; chăm sóc, chạy chữa khi đau yếu; móc nối khi mất liên lạc và đùm bọc,
chia ngọt sẻ bùi như con em trong gia đình. Trong những năm tháng đó, theo
tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào "Ba sẵn sàng",
"Ba đảm đang", "Năm xung phong"... đã rầm rộ phát triển,
tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi nổi trong nhân dân cả nước, tất cả vì sự
nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Công tác dân vận đã góp phần
củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với niềm tin, tấm lòng son
sắt, thủy chung không gì lay chuyển được.
Khi cách mạng chuyển sang giai đoạn
mới, tổng kết từ thực tiễn, với sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân,
Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Đường lối đổi mới đã thể hiện
rõ ý Đảng hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và sáng tạo thực
hiện trong cuộc sống. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa
VI) đã ban hành Nghị quyết quan trọng về "Đổi mới công tác quần chúng của
Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân". Cụ thể hóa các quan
điểm, chủ trương lớn của Đảng trong các nghị quyết Đại hội IX, X, XI về công
tác quần chúng của Đảng, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy
định quan trọng liên quan đến công tác dân vận, đó là một hệ thống các chủ
trương, nhiệm vụ, giải pháp hoàn chỉnh và giá trị về đại đoàn kết toàn dân tộc,
công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, xây
dựng đội ngũ doanh nhân, công tác thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh; về giai
cấp công nhân, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đội ngũ trí thức… Đặc
biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ tăng cường công tác dân vận, phát huy dân chủ
trong Đảng và trong đời sống xã hội, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành
"Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị"; Hội nghị Trung
ương 7 (khóa XI) ban hành Nghị quyết về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Bộ Chính trị (khóa
XI) ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về "Quy chế giám sát và phản biện xã
hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội", Quyết định số
218-QĐ/TW "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã
hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền"… Đó là
hệ thống những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quan
trọng đối với công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng
ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã hướng vào vận động các tầng lớp
nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị… Tiêu
biểu là các phong trào thi đua "Xóa đói, giảm nghèo", "Đền ơn,
đáp nghĩa", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng
tạo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"... đã đóng góp quan trọng vào
các thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Những năm gần đây, Phong trào thi
đua "Dân vận khéo" do Ban Dân vận Trung ương phát động đã được cấp
ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp hưởng ứng, thực
hiện. Từ năm 2009 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện hàng vạn mô hình, điển
hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong thực hiện chương
trình xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực, cùng những khởi sắc
mới trong phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
Đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện
công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; bên cạnh những thời cơ và thuận lợi to
lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện
nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trên lĩnh vực
công tác dân vận của Đảng, khó khăn, thách thức đặt ra là không nhỏ, nhất là
trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập
quốc tế đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, thỏa đáng nhiều mâu thuẫn xã hội phát
sinh. Cùng với đó là sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, văn hóa và giá trị
truyền thống; các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng chiêu bài “dân chủ”,
“nhân quyền”, vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta, hòng làm
suy yếu Đảng, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa
Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Phát huy thành tựu đạt được qua 85 năm
truyền thống công tác dân vận của Đảng, trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ
mới, công tác dân vận của Đảng càng phải được đổi mới và tăng cường. Theo đó,
thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị
quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng
cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới”,
với một số trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo
dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là của cấp ủy đảng, chính
quyền và tổ chức chính trị-xã hội về phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ
đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận
theo "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" đã được Bộ
Chính trị (khóa X) ban hành. Không ngừng củng cố vững chắc lòng tin của nhân
dân đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối
quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Hai là, đẩy mạnh công tác dân vận
của chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh thực hiện Kết
luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác
dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”. Tiếp tục xây dựng và ban hành hệ thống
chính sách cụ thể, phù hợp với các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, dân tộc...,
đồng thời hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tạo hành lang
pháp lý thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị triển khai
công tác dân vận. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế phối
hợp hoạt động giữa chính quyền với Ban dân vận của cấp ủy, MTTQ và tổ chức
chính trị-xã hội các cấp, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân
vận của Đảng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh Phong trào
thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận
động, phong trào do MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội phát động. Thông qua
hoạt động thực tiễn, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ
vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc
tốt” trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tạo ra
phong trào hành động cách mạng sâu rộng của toàn dân thực hiện thắng lợi công
cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Bốn là, MTTQ, các tổ chức chính
trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai
trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội
viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho
cơ sở. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm của
từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng. Tiếp tục đổi mới, nâng
cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực
hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Năm là, xây dựng và kiện toàn hệ
thống tổ chức cán bộ làm công tác dân vận các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt
động có chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận
trong giai đoạn cách mạng mới. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham
mưu giúp Trung ương, cấp ủy các cấp có chủ trương, biện pháp phù hợp lãnh đạo,
chỉ đạo công tác dân vận; theo dõi, nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là vấn đề
liên quan công tác dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã
hội. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp với từng địa
bàn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực
lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Nâng cao chất lượng,
hiệu quả các chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch… đã được ký kết, nhằm
phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác dân
vận của Đảng.
Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống
công tác dân vận của Đảng (15-10-1930/15-10-2015) trong thời điểm cả nước đang
nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế-xã hội năm 2015,
tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII của Đảng…, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn
sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng
lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Dân vận Trung ương
Nguồn: Qdnd.vn, ngày 14/10/2015