Thứ Bảy, 21/12/2024
Ứng phó với biến đổi khí hậu với giải pháp công nghệ: “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.200 km, là hạ lưu của các dòng sông lớn chảy ra biển Đông, được Tổ chức môi trường thế giới dự báo là một trong các nước sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với ảnh hưởng trực tiếp do mực nước biển dâng là tình trạng mất đất, mất cân bằng tự nhiên, đã, đang và sẽ xâm thực, xói lở, bồi lấp sông, hồ, biển; gây tác động mất cân bằng sinh thái.

Tốc độ bảo vệ môi trường sinh thái, tốc độ xây dựng bảo vệ bờ sông, hồ, biển do còn nhiều hạn chế về công nghệ cũng như nhu cầu vốn cho nên trên thực tế chưa theo kịp với nhu cầu và tốc độ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội đô thị, nông thôn.

Việc xây dựng các công trình bảo vệ bờ, bãi, sông, hồ, biển là một nhiệm vụ rất lớn hết sức khó khăn phức tạp, lâu dài, đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, cần có sự phối hợp và thống nhất đồng bộ của các tổ chức, chuyên gia làm khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các tổ chức tư vấn, tất cả các chủ thể và cá nhân có liên quan nhằm từng bước thực hiện tiến trình cải tiến, đổi mới và phát triển công nghệ mới phù hợp nhằm thay thế các giải pháp truyền thống. Cụ thể là việc bảo vệ bờ, bãi, quai đê, lấn biển phát triển quỹ đất, tăng cường phòng hộ, tạo ổn định cân bằng sinh thái và chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng, khắc phục các bất lợi về điều kiện tự nhiên: Địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, hải văn.

Trăn trở với vấn nạn ngập úng và sạt lở nghiêm trọng đó, ông Hoàng Đức Thảo – Anh Hùng lao động, Tiến sỹ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà Nước MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) đã ngày đêm mày mò, nghiên cứu và sáng tạo ra giải pháp công nghệ “Cấu kiện bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển” để xây dựng các công trình chống sạt lở, xói mòn, chắn sóng, giảm sóng thay thế chân kè và tường chắn đất, tạo bờ, quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất, ứng phó với mực nước biển dâng, gia cố, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ bờ biển bị xuống cấp hoặc đầu tư xây dựng mới.

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, sản phẩm của Busadco thể hiện tính mới, tính sáng tạo chưa từng có tại Việt Nam và trên thế giới. Giải pháp sử dụng hệ liên kết lắp ghép đồng bộ: Hình khối, cột trụ, đà giằng nhằm giữ ổn định, kết cấu lắp ghép chống đẩy, chống trượt, chống xói chân... Sản phẩm được đúc sẵn trong nhà máy, kiểm soát được chất lượng và tiến độ. Bên cạnh đó, tiến độ thi công chỉ bằng 1/3 thời gian so với giải pháp truyền thống do khắc phục được bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn; thuận tiện cho công tác vận hành, duy tu, duy trì, bảo dưỡng; giảm chi phí đầu tư ít nhất 20% so với giải pháp truyền thống.

Sản phẩm đã mang lại hiệu quả xã hội cao, thể hiện sự chủ động phát triển công nghệ trong nước, khẳng định công nghệ trong nước không thua kém công nghệ nước ngoài, mà còn hiệu quả hơn.

Sản phẩm đã được ứng dụng tại các tỉnh như: Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Chống xói lở suối Rạch Tranh ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành); tại TP. Hồ Chí Minh (Thí điểm thành công Dự án kè bờ kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh; dự án: Xây dựng, nâng cấp đê biển Cần Giờ tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa  – Huyện Cần Giờ – TP. HCM; tại tỉnh Thái Bình (Dự án: Xây dựng thí điểm kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển số 6 đoạn từ K33+020 đến K35+760 xã Đông Minh và đê biển số 5 đoạn từ K22+300 đến K23+300 xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)...

Đánh giá về hiệu quả sản phẩm Busadco mang lại, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Công trình kè của Busadco đã giải quyết hoàn toàn được những vấn đề then chốt về đổi mới công nghệ, cải tiến, ứng dụng công nghệ, tạo ra sản phẩm mới để phục vụ việc chống sạt lở, xói mòn, chắn sóng, giảm sóng, tạo bờ, quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất.

Theo ông Chiến, kè Busadco có thể thay thế kè truyền thống và hữu ích phục vụ dân sinh, an sinh ven biển trong các mùa bão lũ, là một sản phẩm có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Đăng Nghĩa - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh cho biết:  “Khi sử dụng sản phẩm Busadco, tôi thấy cấu kiện của Busadco đã giải quyết được một số vấn đề như: Gia cố được nền đất yếu, chỉnh trị và điều tiết được mực nước và dòng chảy, bởi địa chất của TP. Hồ Chí Minh rất khó khắc phục vì nền đất yếu, bùn nhão, một ngày 2 lần triều cường lên xuống, không có sự ổn định địa chất”.

Ông Trần Đăng Nghĩa đánh giá, giải pháp công nghệ cấu kiện bảo vệ bờ của Busadco chống được sạt lở, xói mòn, giảm tiêu sóng, phát triển quỹ đất, ứng phó với mực nước biển dâng, tạo cảnh quan để đô thị sạch và đẹp. Ngoài ra, độ ổn định tổng thể của công trình kè Busadco mang tính bền vững cao, phù hợp với các đặc điểm địa chất khí tượng thủy văn, hải văn của TP. Hồ Chí Minh trong việc chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Điều đặc biệt quan trọng là với nhiều ưu điểm vượt trội như thế nhưng giá thành lại rất cạnh tranh so với giá của các giải pháp đã sử dụng thấp hơn khoảng 40%.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi Việt Nam cho rằng, sản phẩm kè Busadco là một giải pháp đột phá trong lĩnh vực bê tông bởi tính mới và tính sáng tạo của sản phẩm; từ đó, tạo nên sản phẩm chất lượng bền vững và đa dạng về cấu tạo và kiểu dáng. Tuổi thọ công trình cao, an toàn khi sử dụng. Trong lĩnh vực bê tông, đây cũng là một dấu ấn lớn, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành. Sản phẩm kè bờ, sông hồ và đê biển mang lại cho Việt Nam sự lựa chọn tối ưu để đương đầu với vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Minh Khang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất