Thứ Hai, 14/10/2024
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò chủ thể của người dân để có nguồn lực mạnh mẽ

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện ở chỗ người dân chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình. Vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương chỉ là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt. Điều này thể hiện quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và tư tưởng của Hồ Chí Minh “lấy sức dân để làm lợi cho dân”. Phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới vì nguồn lực của Nhà nước rất hạn hẹp trong khi đó nguồn lực từ trong nhân dân rất dồi dào, phải huy động tối đa các nguồn lực mới có thể đem lại thành công của chương trình. Nguồn lực của nhân dân cần huy động ở đây không chỉ là tiền của, công sức mà còn cả trí tuệ. Xây dựng nông thôn mới phải phát huy vai trò chủ thể của người dân còn vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới thì sớm đạt đích xã nông thôn mới và ngược lại.

Các tiêu chí của xã nông thôn mới được thực hiện giống nhau trên phạm vi toàn quốc. Để trở thành một xã nông thôn mới, phải đạt được rất nhiều tiêu chí với sự phấn đấu, nỗ lực trong một thời gian dài, do đó cần có một chương trình, kế hoạch với những lộ trình, biện pháp, cách làm cụ thể. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những điểm xuất phát khác nhau, có những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội không giống nhau nên có những biện pháp, cách thức riêng. Để những biện pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với mỗi địa phương thì chính người dân ở địa phương đó phải là người tham gia bàn bạc, quyết định. Chỉ có phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của nhân dân trong xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể, mới khơi dậy được những cách làm hay, mới rút ngắn con đường đạt đích nông thôn mới.

Một trong những tiêu chí để đạt xã nông thôn mới là phải có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, trạm y tế, chợ. Làm sao để biến những con đường nhỏ hẹp, bằng đất thành những con đường bê-tông rộng rãi? Làm thế nào xây dựng được những trường học, nhà văn hóa khang trang? Điều đó đòi hỏi phải có đất đai, tiền của. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính của Nhà nước có hạn, cần phải huy động từ trong nhân dân. Tiền của trong nhân dân cũng không phải vô cùng, nếu phải đền bù đất đai để có đất xây dựng thì không đủ, vì vậy việc vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế,… sẽ giảm bớt nguồn lực tài chính cần thiết. Thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy, nhân dân nhiều nơi đã tình nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng của xã. Không chỉ vậy, họ còn trực tiếp tham gia từ khâu quy hoạch, mua nguyên vật liệu, giám sát thi công và kết quả là công trình nghiệm thu nhanh chóng, đạt chất lượng tốt với kinh phí đầu tư thấp, tránh thất thoát, lãng phí.

Một tiêu chí quan trọng của xã nông thôn mới là phải có nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương vẫn trong tình trạng manh mún. Muốn có nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại thì phải tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất. Để cơ giới hóa được thì đồng ruộng phải rộng rãi, bằng phẳng, do đó dồn điền, đổi thửa là một yêu cầu tất yếu. Song, thực hiện dồn điền, đổi thửa không chỉ thay đổi cung cách làm ăn của người dân mà liên quan quyền lợi kinh tế của nhiều hộ dân bởi việc chia ruộng đất cho nông dân trước đây bao gồm cả những ruộng xấu và ruộng tốt. Vì vậy, chỉ có phát huy vai trò chủ thể, tính tự giác, tự nguyện của người dân, công tác dồn điền, đổi thửa mới diễn ra thuận lợi. Để có một nền nông nghiệp đạt năng suất cao, chất lượng tốt, với khả năng cạnh tranh cao, người nông dân phải tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất. Nhà nước, chính quyền địa phương có thể gợi ý các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tập huấn, hướng dẫn cho người dân nhưng chính người dân mới là người thực hiện và học tập các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Ngoài những tiêu chí trên, một xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ khi trình độ dân trí của người dân được nâng cao, người dân có đời sống văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tình làng nghĩa xóm được tôn trọng, có nhiều làng văn hóa, gia đình văn hóa, an ninh, trật tự ở địa phương được bảo đảm. Những tiêu chí này chỉ khi nào người dân tích cực, tự giác tham gia thực hiện thì mới có thể đạt được.

Giải pháp để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy chỉ có phát huy vai trò chủ thể của người dân mới bảo đảm sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều đó, đòi hỏi các cấp chính quyền ở địa phương phải năng động, sáng tạo, chú ý thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải thực hiện tốt công tác dân vận. Các cấp chính quyền cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của chính dân cư nông thôn. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân vừa là người làm vừa là người thụ hưởng. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng cần chú ý tuyên truyền cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật,… còn vai trò chính vẫn là mỗi người dân. Khi người dân hiểu thấu đáo vấn đề này, sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Thứ hai, cán bộ chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp tiền của, ngày công để nhân dân nhìn vào đó thực hiện. Hơn nữa, họ đang sinh sống và công tác tại địa phương nên cũng cần có trách nhiệm góp công, góp của vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở địa phương như những người dân bình thường khác.

Thứ ba, để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, các cấp chính quyền phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chỉ khi nào cán bộ chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới không được làm quá sức dân. Người dân không phải trong một sớm một chiều được thụ hưởng những kết quả từ việc xây dựng nông thôn mới nên ngay từ đầu kêu gọi họ đóng góp quá sức sẽ tạo cho họ cảm giác chương trình nông thôn mới là một gánh nặng. Vì vậy, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân phải vừa sức, từng bước, tránh nóng vội.

Việc xây dựng thành công chương trình nông thôn mới sẽ thực sự tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn, nâng cao đời sống của một bộ phận lớn người dân Việt Nam. Để làm được điều đó, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân ở địa phương là một tất yếu. Vấn đề quan trọng là tìm những cách làm hay nhằm khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân. Những giải pháp nêu trên là những gợi ý ban đầu để cán bộ chính quyền, đoàn thể ở địa phương có thể tham khảo trong quá trình hướng dẫn, tổ chức xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 10/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi