Thứ Bảy, 21/12/2024
Phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế

 
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu 

Thanh niên Việt Nam hiện có số lượng khoảng 25 triệu người, chiếm gần 28% dân số đất nước. Tuy nhiên, một bộ phận trong số này đang thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Để phát huy vai trò của thanh niên, các phong trào hành động cách mạng cũng phải thực sự đổi mới đặc biệt là phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên, phong trào thanh niên chỉ có thể thành công khi xuất phát từ hai điều kiện. Thứ nhất là từ nhu cầu, đặc trưng của thanh niên, thứ hai là định hướng của Đoàn. Đoàn phải hiểu thanh niên, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên thì mới có thể tổ chức được phong trào thu hút được đông đảo thanh niên.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam bổ sung, trong thời đại hiện nay, muốn phong trào thanh niên phát triển, lan tỏa sâu rộng đòi hỏi phải có trí tuệ, tri thức đặc biệt là với người làm công tác giáo dục, định hướng thanh niên, họ cũng phải mang trong mình “hơi thở” của thanh niên.

Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Mão cho rằng, với thanh niên, khởi nghiệp, có nghề nghiệp, việc làm là quan trọng nhất. Việc tổ chức phong trào cũng phải xuất phát từ nhu cầu thiết thân, chính đáng này để thực sự đi vào cuộc sống.

Cùng với giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, theo GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội rất cần thiết phải nói thẳng, nói thật để thanh niên thấy được những mặt còn yếu kém, lạc hậu, tụt hậu của đất nước để từ đó, những chủ nhân tương lai ý thức hơn trách nhiệm của mình đưa đất nước phát triển, theo kịp các quốc gia tiên tiến khác.

PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, trước yêu cầu, đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, thanh niên cần rèn luyện thể lực và trau dồi kiến thức để có thể lao động hiệu quả và theo kịp nhịp độ, công suất làm việc của thanh niên ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Thể lực và thể chất tốt chính là cơ sở vững chắc giúp thanh niên và trí thức trẻ phát huy tối đa nhiệt huyết để phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, thanh niên cũng cần hiểu rõ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc để giữ gìn và tích cực quảng bá với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi bản sắc văn hóa dân tộc được khẳng định thì vị thế quốc gia sẽ được củng cố, ghi nhận, GS Vinh nhấn mạnh.

Với gần 40 tham luận, các ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra những định hướng cho việc phát triển phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ trong thời gian tới nhằm phát huy trí tuệ, tinh thần, sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế; đặc biệt là đề ra giải pháp đổi mới phương thức vận động, đoàn kết, tập hợp thanh niên và tổ chức phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn hiện nay./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 24/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất