“Thực
hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết
mọi khó khăn”. Bài học về phong cách quần chúng, thực hành dân
chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa to lớn, vận
dụng vào tình hình mới. Đặc biệt là trong công tác vận động
nhân dân xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta
nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục
tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Hiến Pháp năm 2013 đã
khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền
lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Để giữ vững và phát
huy được bản chất dân chủ XHCN, điều quan trọng hiện nay là phải phát
huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý và xây
dựng nhà nước mới có thể hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
Sau 30 năm công cuộc đổi mới đất nước; 18 năm thực
hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, 9 năm thực hiện Pháp lệnh thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đất nước ta đã đạt được
những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những
mặt hạn chế, yếu kém trong thực hiện: Việc xây dựng và thực hiện các quy
chế, quy ước, hương ước không ít nơi còn hình thức, chất lượng chưa
cao, chưa thành nền nếp. Một số xã, phường, thị trấn chưa làm tốt việc
công khai, dân chủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá bồi thường
khi chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tái định cư. Không ít cơ
quan thiếu công khai, dân chủ về quản lý thu, chi tài chính công, nâng
lương, quy hoạch, đào tạo, đề bạt cán bộ... Một số nơi nội bộ lãnh đạo
cấp uỷ, chính quyền mất đoàn kết; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng
phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến
lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền.
Trên tinh thần Chỉ thị số 30 CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;
Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 về thực hiện dân chủ ở
xã, phường, thị trấn; Kết luận số 65-KL/TW ngày 4-3-2010 của Ban Bí thư
Trung ương (khoá X)... thiết nghĩ cần tập trung vào một số giải
pháp sau để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, yếu
kém, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hành Pháp lệnh thực hiện
dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Một là, đẩy mạnh thực hành dân chủ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Theo
Người, dân chủ có nghĩa là dân là chủ. “Nước ta là nước dân
chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Dân chủ là dân
làm chủ. “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân
dân làm chủ”. Người giải thích: Dân là chủ thì nhà nước,
chính phủ, mọi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công
quyền phải hết lòng, hết sức tận tụy làm đầy tớ, công bộc
trung thành của nhân dân. “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng
cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của
nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Đó là mục
tiêu rất rõ ràng, nhưng vì có cán bộ, đảng viên, công chức
nhận thức chưa đầy đủ, phương pháp công tác dân vận chưa tốt,
khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân
hiểu. Cho nên có những việc trực tiếp có lợi cho dân, muốn cho
được việc, nên cán bộ chỉ làm theo cách ra mệnh lệnh, cưỡng
bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt. Kết quả là dân không
hiểu, dân không đồng tình, công việc không đạt kết quả. Dân chủ
đối lập với quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Theo Người, làm
việc với dân chúng có hai cách: "1. Làm việc theo cách quan
liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm. Đóng cửa
lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ
dân chúng, bắt dân chúng làm theo. Có nhiều cán bộ làm theo
cách đó. Họ còn tự đắc cho rằng, làm theo cách đó họ vẫn
làm tròn nhiệm vụ, làm được mau, lại không rầy rà. Họ quên
rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng.
Việc gì, cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm. Làm theo cách
quan liêu đó thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút
thành công nhưng về mặt chính trị, là thất bại. 2. Làm theo
cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến quần chúng, cùng
dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân
chúng đồng ý. Do đó dân chúng vui lòng mà ra sức làm. Như thế,
có hơi phiền một chút, nhưng việc gì nhất định cũng thành
công". Chính vì quan niệm như vậy, Người đã đưa ra kết luận:
“Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải
quyết mọi khó khăn”. Bài học về phong cách quần chúng, thực
hành dân chủ của Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa to lớn, vận
dụng vào tình hình mới. Đặc biệt là trong công tác vận động
nhân dân xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hệ
thống pháp luật có vị trí và vai trò quan trọng trong việc phát huy
quyền dân chủ của nhân dân. Do đó để phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, góp phần xây dựng nhà nước XHCN “của dân, do dân, vì dân” thì việc
hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều quan trọng và cần thiết. Có thể
hoàn thiện ở một số khía cạnh cơ bản sau:
Bổ sung, hoàn thiện về
mặt văn bản và tăng cường tính pháp lý, chế tài của pháp luật. Tính đến
thực tế về trình độ nhận thức và tâm lý người dân. Mọi văn bản liên quan
tới việc thực hiện dân chủ cần quy định theo phương châm “ngắn gọn,
giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ đánh
giá”.
Xoá bỏ và có chế tài nghiêm khắc với “cơ chế xin - cho”
trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng, đấu thầu, phân bổ dự án.
Đó là đầu mối xuất hiện tham nhũng, bòn rút quỹ công, làm tổn hại lợi
ích của dân chúng.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã. Thực
tế cho thấy, hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế
trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và vận động quần
chúng. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, mất đoàn kết nội bộ, vừa vi
phạm quyền làm chủ của dân, vừa không giữ đúng kỷ cương, phép nước xảy
ra ở nhiều nơi, có những nơi nghiêm trọng. Chức năng, nhiệm vụ của một
số bộ phận trong hệ thống chính trị chưa được xác định rành mạch, trách
nhiệm không rõ; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, còn
nhiều biểu hiện của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Trình độ, năng
lực đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế; chính sách đối với cán bộ cơ sở
còn bất cập. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ
sở cần đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng; đổi mới và nâng
cao hiệu quả quản lý của Nhà nước ở chính quyền cơ sở và đổi mới,
kiện toàn các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bốn là, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc. Để cán
bộ, công chức nói chung và ở cấp cơ sở nói riêng thực sự là “công bộc
của dân”, làm việc vì lợi ích của nhân dân và Nhà nước, góp phần xây
dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, cần:
Tăng cường
công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và
quy chế làm việc; tăng cường công tác giáo dục rèn luyện, nâng cao phẩm
chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện
tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách
về công tác xây dựng Đảng hiện nay”.
Nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và
đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở.
Có chính sách, chế độ ưu
đãi sát thực để thu hút người trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn, năng
lực về công tác tại xã, phường, thị trấn.
Năm là, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Nội
dung trong quy chế dân chủ ở cấp xã (nay là Pháp lệnh) chủ yếu xoay
quanh vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Để có thể biết,
bàn, làm và kiểm tra thì người dân phải có trình độ, nhận thức, có ý
thức và sự giác ngộ chính trị, hiểu được nội dung, yêu cầu của những vấn
đề đặt ra. Trình độ, nhận thức của người dân quyết định việc tiếp
nhận, xử lý thông tin, hiểu và tiếp thu đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở thực
sự có hiệu quả, vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ dân trí mọi mặt
cho nhân dân (kiến thức về văn hóa, pháp luật, chính trị, kinh tế…).
Cùng với việc phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản
xuất phải đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục, đào tạo
kiến thức phổ thông, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước nhằm trang bị kiến thức và năng lực làm chủ cho nhân
dân, đặc biệt là nông dân.
Sáu là, thực hiện dân chủ ở cấp xã gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đây
là nội dung quan trọng để bảo đảm lôi cuốn, thu hút quần chúng vào
hoạt động chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể. Đem lại lợi
ích cho dân là cách tốt nhất để làm cho quy chế dân chủ có sức sống, để
dân chủ là một giá trị thực tế chứ không dừng lại là một ước nguyện.
Thực
hiện quy chế dân chủ thực chất là làm cho dân chúng có được sự thay đổi
cuộc sống hằng ngày, no đủ hơn, tiến bộ hơn. Điều này có thể hiểu rằng,
thực hiện dân chủ phải đạt tới mục đích cuối cùng là góp phần vào sự
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại cuộc sống ấm no,
hạnh phúc, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với Dân, giữa Dân với Chính
phủ. Muốn làm được điều đó cần: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải
pháp phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh
nghiệp phát triển; phát triển và nhân rộng nhiều mô hình xây dựng nông
thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo,
y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…Thực hiện có hiệu quả các giải pháp
bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; tăng cường các biện pháp
bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết dứt điểm
đơn thư, tránh để tồn đọng và khiếu kiện vượt cấp.
Nguồn: xaydungdang.org.vn, ngày 6/6/2016