Những thuận lợi và thách thức trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân
Giai
cấp công nhân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát
triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vị trí,
vai trò của giai cấp công nhân luôn được khẳng định qua các kỳ đại hội
của Đảng. Hội nghị Trung ương 6 khóa X khẳng định: “Giai cấp công nhân
Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những
người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại
hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh
doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp” (1). Tiếp đó, Hội nghị Trung
ương lần thứ 7 khóa X đến Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội
XI và Đại hội XII của Đảng, Đảng ta luôn xác định xây dựng, phát triển
giai cấp công nhân toàn diện cả về số lượng và chất lượng để bảo đảm vai
trò tiên phong và đủ sức đảm trách vai trò lãnh đạo cách mạng trong
giai đoạn mới của dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của
Đảng khẳng định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực
lãnh đạo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong,
sức chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (2).
Kiên định mục tiêu và lý tưởng xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với việc
chúng ta phải giữ vững và tăng cường bản chất công nhân của Đảng, tăng
cường vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Do vậy, việc nâng cao
giác ngộ và bản lĩnh chính trị cho công nhân luôn được Đảng quan tâm,
nhất là trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ giai cấp công nhân còn nhận
thức chưa đầy đủ về giai cấp mình, về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử
của mình trong sự phát triển của dân tộc.
Sau
30 năm đổi mới, đặc biệt là trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về số
lượng và chất lượng, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát
triển của đất nước. “Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng,
tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã
hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục
phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên
phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; có nhiều cố gắng
để phát huy vai trò và lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công
nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của
Đảng” (3).
Tuy nhiên, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấp công nhân còn đứng trước nhiều thách thức.
Thứ
nhất, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước chủ yếu mới tập trung chăm lo
cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng trở thành thứ yếu, chưa được quan tâm đúng mức.
Tiền lương, thu nhập từ lâu luôn là vấn đề bức xúc hàng đầu, trong khi
tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng được gần 65% mức sống tối thiểu thì đó
cũng đã là sự cố gắng không nhỏ của nhiều doanh nghiệp. Hầu hết các
doanh nghiệp hiện mới tập trung vào cải thiện đời sống vật chất cho công
nhân và mặc dù các bữa ăn giữa ca của công nhân đã có nhưng phần lớn
đạm bạc. Hầu hết các xí nghiệp cũng chưa có xe đưa đón công nhân, chưa
có nhà cho công nhân ở thuê, chưa xây dựng được các cơ sở văn hóa, giải
trí cho công nhân… Chương trình “Mái ấm Công đoàn” phát động từ năm 2010
đã hỗ trợ 14.687 gia đình đoàn viên, công nhân nghèo hoàn thành việc
xây dựng mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở, bình quân mỗi gia đình được
hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho công nhân
vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cung chưa đáp ứng đủ cầu. Ngay cả chế
độ an sinh xã hội với công nhân cũng chưa được thực hiện tốt. Mặc dù
doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp một phần phí bảo hiểm cho người lao
động nhưng việc thực thi chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp còn trốn tránh
trách nhiệm, không mua bảo hiểm cho công nhân hoặc nợ đọng đóng bảo
hiểm xã hội. Có thể thấy, do còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hầu
như chưa quan tâm thích đáng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
cho đội ngũ công nhân.
Thứ
hai là, ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức Công đoàn nên việc bảo đảm về quyền
lợi chính trị cho công nhân chưa được quan tâm. Khảo sát cho thấy,
81% công nhân cho rằng công đoàn là chỗ dựa đáng tin cậy, sẵn sàng đứng
ra bảo vệ, bênh vực lợi ích chính đáng cho người lao động (4). Tuy
nhiên, các chủ doanh nghiệp không muốn có các đoàn thể ấy, e sẽ trở
thành lực lượng đấu tranh với chủ, trong khi quy định muốn đấu tranh
phải thông qua Công đoàn. Việc chưa có tổ chức công đoàn, đoàn thanh
niên và chi hội phụ nữ cũng như sự hoạt động chưa hiệu quả của các tổ
chức cơ sở đảng ở một số doanh nghiệp đã khiến nhiều công nhân phải chịu
thiệt thòi, không những không được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về
chuyên môn, tay nghề mà cả về chính trị, tư tưởng.
Thứ ba, tự bản thân người công nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc được nâng cao trình độ chính trị.
Công nhân Việt Nam đang hình thành hai tầng lớp rõ rệt: một bộ phận nhỏ
được đào tạo chính quy, dài hạn, có trình độ khoa học - kỹ thuật cao
hay lành nghề đã có được đời sống vật chất và tinh thần khá. Một bộ phận
lớn còn lại chỉ được đào tạo ngắn hạn, thậm chí chỉ là lao động giản
đơn chưa qua đào tạo, thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu
thốn. Thống kê cho thấy, trong số lao động được đào tạo chỉ có 10% là
đào tạo nghề và 15% là đào tạo dài hạn (5). Đa số những người này chỉ
mong muốn được cải thiện về thu nhập để nâng cao đời sống vật chất.
Thực
tế ở một số khu công nghiệp, mức thu nhập của người lao động quá thấp;
hầu hết lại chưa có nhà ở, phải ở nhà trọ với những điều kiện sống thấp
kém. Trong khi phải sống trong những khu nhà trọ không bảo đảm an toàn,
vệ sinh môi trường, diện tích chỉ từ 2-3 m2/đầu người, vài chục công
nhân phải dùng chung nhà vệ sinh, nhà tắm..., 30% công nhân lo lắng về
điều kiện ăn ở không bảo đảm sức khỏe, khi ốm đau không có thuốc chữa
bệnh; 17% phải mắc nợ; 27% bức xúc về môi trường, điều kiện làm việc ảnh
hưởng xấu đến sức khỏe; 17% bức xúc về chậm lương, nợ lương và 14% bức
xúc về quy định, phạt lương bất hợp lý, 42% công nhân bức xúc trước các
tiêu chuẩn về tăng lương, tiền thưởng quá khắt khe, khó phấn đấu (6),
thì nhu cầu được quan tâm giáo dục về chính trị tư tưởng trở thành thứ
yếu.
Thứ
tư, việc tuyên truyền, giáo dục, trang bị những hiểu biết về lý luận
chính trị cho công nhân trong thời gian dài chưa được Đảng và các tổ
chức chính trị - xã hội quan tâm thỏa đáng. Đa số công nhân chưa
được học tập lý luận chính trị. Trước tác động gay gắt của mặt trái kinh
tế thị trường, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, tư tưởng, ý
thức chính trị của đội ngũ công nhân, nhất là thế hệ công nhân trẻ dễ
bị tác động. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc 100%
vốn đầu tư nước ngoài gần như thiếu vắng tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên,
Công đoàn nên càng làm trầm trọng thêm sự thiếu hiểu biết về sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân. Các tổ chức đảng, đoàn thể chưa thu hút
được đông đảo công nhân tham gia. Theo điều tra của Viện Công nhân và
Công đoàn, chỉ có 18,83% số công nhân tham gia vào các tổ chức Đảng,
Công đoàn là 74,19% và Đoàn Thanh niên là 32%. Như vậy, sự giác ngộ của
một bộ phận công nhân về địa vị của giai cấp mình còn hạn chế, ý thức
chính trị không cao, thậm chí hoài nghi, dao động, thiếu tin tưởng,
không tha thiết với nghề nghiệp. Về phía các tổ chức đảng, đoàn thể cũng
chưa tạo dựng được lòng tin với công nhân, người lao động, chưa xây
dựng được các phong trào thu hút sự tham gia của lực lượng công nhân.
Một số giải pháp cơ bản trong thời gian tới
Để
đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân theo tinh
thần Đại hội XII của Đảng, thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề
sau:
Một là,
thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển công tác nghiên
cứu giai cấp công nhân Việt Nam và thế giới vào giáo dục lý luận chính
trị cho cán bộ, đảng viên là công nhân.
Hai là,
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản
xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp phải đi đôi
với cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân lao
động.
Ba là,
đổi mới, chỉnh đốn Đảng về tổ chức, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh;
xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự là
chỗ dựa, là “người bảo vệ” cho công nhân lao động.
Bốn là,
đổi mới nội dung và phương pháp nghiên cứu, học tập và giảng dạy lý
luận và phương pháp công tác tư tưởng sao cho phù hợp với đối tượng công
nhân. Đặc biệt, công tác giáo dục, công tác tư tưởng cần hướng vào giáo
dục đạo đức, phẩm chất cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức,
năng lực chuyên môn và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên là công
nhân.
Năm là,
chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Kiên quyết
đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ
đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phê
phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch./.
----------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 43
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 80
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Sđd, tr. 44
(4) Thông tin nghiên cứu về công nhân, công đoàn, số 8, 12-2013
(5) Nguồn nhân lực Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Con số và sự kiện, số 3-2009
(6) Điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội năm 2011
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 20/6/2016