(Danvan.vn) Chiều ngày 14/10, Hội đồng khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học “Hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ - Những vấn đề đặt ra đối với công tác dân vận”, mã số KHBĐ (2015)-24 do TS. Đinh Thị Xuân Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương làm chủ nhiệm.
|
TS. Đinh Thị Xuân Trang, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt kết quả
nghiên cứu của Đề tài |
Hội đồng nghiệm thu gồm có: TS. Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương là Chủ tịch; các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công tác tôn giáo, công tác dân vận, đang công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Dân vận Trung ương là thành viên.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, TS. Đinh Thị Xuân Trang đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Theo đó, Đề tài đánh giá thực trạng hoạt động truyền giáo và ảnh hưởng của đạo Tin Lành đối với các mặt của đời sống xã hội nói chung, người lao động nói riêng ở các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ; làm rõ công tác dân vận của hệ thống chính trị đối với hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ hiện nay. Trên cơ sở đó, Đề tài bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận đối với hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết số 25/NQ-TW của BCH Trung ương (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Kết luận số 101-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về chủ trương công tác đối với đạo Tin Lành trong tình hình mới”.
Tại Hội nghị nghiệm thu, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có chất lượng tốt, được thực hiện một cách công phu, vừa có giá trị nghiên cứu vừa có giá trị thực tiễn và tính hướng dẫn cao. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu được xác định rõ ràng với phương pháp nghiên cứu phù hợp. Ban Chủ nhiệm Đề tài đều là các đồng chí cán bộ nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm và thực tiễn. Tuy nhiên, Hội đồng cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót của Đề tài để Ban Chủ nhiệm tiếp thu và chỉnh sửa trong thời gian tới.
Kết quả, Hội đồng đã nhất trí nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học “Hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ - Những vấn đề đặt ra đối với công tác dân vận” với 6/6 phiếu tán thành.
Tin và ảnh: Ngọc Mai