Thứ Bảy, 20/4/2024
Nghiệm thu đề tài khoa học về công tác vận động gia đình Phật tử

 Đồng chí Lê Quang Toàn báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài

Hội đồng nghiệm thu đề tài do PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch; các thành viên gồm các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu về công tác tôn giáo.

Dự buổi nghiệm thu có đồng chí Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương; đại diện Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.

Gia đình Phật tử - một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên của Phật giáo – ra đời và phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể và chịu sự tác động của các yếu tố chính trị - xã hội nhất định, nên nó cũng có những đặc thù nhất định. Thời gian qua, sự hồi sinh và phát triển của gia đình Phật tử ở các tỉnh, thành phía Nam nước ta có xu hướng gia tăng, gây biến động phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo, thậm chí nhiều khi nó là nguyên nhân gân nên các “điểm nóng” chính trị - xã hội. Tuy nhiên, do chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về vấn đề gia đình Phật tử nên trong nhận thức và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội chưa nhất quan và thiếu sự phối hợp đồng bộ, thậm chí còn có nhiều ý kiến trái ngược trong cách ứng xử. Điều này khiến cho hoạt động gia đình Phật tử càng diễn biến theo các chiều hướng phức tạp và rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.

Trên cơ sở đó, mục đích của Đề tài là đề xuất một số giải pháp đổi mới công tác vận động gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần làm tốt công tác tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Với bề dày kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tôn giáo, nhóm tác giả Đề tài đã đi sâu nghiên cứu bản chất, đặc điểm gia đình Phật tử; đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân công tác vận động tín đồ Phật giáo và gia đình Phật tử; tập trung vào đối tượng vận động là huynh trưởng, đoàn sinh gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; thời gian từ 1981 đến nay, tập trung trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đề tài đã dự báo tình hình hoạt động của gia đình Phật tử, đồng thời đề ra các nhóm giải pháp, góp phần đổi mới và tăng cường công tác vận động gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới.


 PGS.TS Phạm Văn Linh và Hội đồng nghiệm thu, đồng chí Ngô Anh Tuấn và Hội đồng Khoa học Cơ quan
Ban Dân vận Trung ương chúc mừng Chủ nhiệm đề tài

Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá: Đề tài có ý nghĩa thiết thực, là hướng nghiên cứu rất được khuyến khích, nhất là trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đề tài được tổ chức nghiên cứu công phu, có ý nghĩa trên nhiều phương diện, nhiều tài liệu phụ lục tham khảo hữu ích; hệ thống giải pháp của Đề tài khá toàn diện, khả thi. Đề tài đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động tín đồ tôn giáo và công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Đề tài sau khi được nghiệm thu, chỉnh lý sẽ là cuốn tài liệu quý cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực công tác tôn giáo, công tác dân vận của hệ thống chính trị. 

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại khá với 82,7 điểm.

Phương Thủy

 


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất