Thứ Sáu, 19/4/2024
Đổi mới hoạt động của ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân
 
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm đề tài khoa học Bùi Thị Thanh cho biết: Việc nghiên cứu đổi mới tổ chức, hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện nhằm tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng,  nhiệm vụ, không chồng chéo. Qua đó, đề xuất, kiến nghị với các cấp ủy đảng để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cơ chế đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng thêm tính chủ động, tự chủ hơn trong hoạt động, không bị “hành chính hóa” để gần dân, sát dân hơn.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh: Trong những năm qua, việc bố trí, sắp xếp cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam đã được chú ý, số cán bộ trẻ, đã qua đào tạo được tăng lên. Bộ máy chuyên trách, cơ quan tham mưu, tư vấn, đội ngũ cộng tác viên từng bước được tăng cường, kiện toàn đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động của Ủy ban MTTQ. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ của bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp nói chung và MTTQ Việt Nam cấp huyện nói riêng còn có nhiều bất cập, hạn chế. Trong cơ cấu thành viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp chiếm số đông nhưng vai trò, tác dụng không rõ ràng, chưa thể hiện rõ tính chất của một tổ chức liên minh chính trị.

“Đề tài nghiên cứu không hoàn toàn mới nhưng nội dung đã đi sâu vào những vấn đề cụ thể, có sự khác biệt về tổ chức, hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện. Qua khảo sát thực tiễn và tổng hợp lại từ các quan điểm, chủ  trương của Đảng, Nhà nước, yêu cầu của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nặng nề hơn nhưng đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp huyện lại ngày càng bị thu hẹp, tạo nên áp lực đối với công tác Mặt trận, đòi hỏi Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải tự đổi mới cho phù hơp với tình hình mới”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nói.

Tại hội nghị, các thành viên hội đồng phản biện hoan nghênh cách nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá được thực trạng và nguyên nhân nêu ra trong đề tài. “Việc đặt vấn đề của Ban chủ nhiệm đề tài khiến chúng ta trăn trở đến nhiều hoạt động của Mặt trận, đó là không ít văn bản của Đảng, Nhà nước, không ít kiến nghị của các nhà nghiên cứu về đổi mới dân vận chưa được thể hiện rõ nét so với đổi mới kinh tế”, một ý kiến đánh giá.

Thay mặt hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhận xét: Việc đổi mới hoạt động trong tổ chức chính trị nói chung, Mặt trận và các tổ chức thành viên nói riêng là vấn đề khó. Hiện nay, Ban Bí thư cũng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả” và đề tài nghiên cứu này đã phục vụ kịp thời cho Đề án đổi mới của Ban Bí thư.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, để Đề án này thành công, Ban Bí thư cũng đã thành lập các đoàn tới các địa phương để khảo sát bộ máy của hệ thống chính trị nhằm xây dựng một bộ máy thiết thực, tinh gọn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Đổi mới hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện là để phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm đảm bảo cho kinh tế đất nước phát triển, quốc phòng - an ninh ổn định, chính quyền vững mạnh vì thế khi làm bất cứ việc gì chúng ta đều phải dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn nói.

Nhân dịp này, Hội đồng phản biện đã công nhận đề tài khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” đạt loại xuất sắc.

Nguồn: daidoanket.vn​, ngày 03/5/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất