Thứ Tư, 13/11/2024
Hội thảo 70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Quang cảnh Hội thảo 


PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh ủy, thành ủy và đông đảo các nhà khoa học.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành tìm hiểu, nhận thức rõ hơn hoàn cảnh ra đời, nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giá trị to lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay; qua đó cảm nhận sâu sắc khát vọng cháy bỏng, trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp, sáng tạo, tầm nhìn vượt thời đại, kết đọng những giá trị nhân văn cao đẹp của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cách đây 70 năm, tháng 3/1947, trong lúc cả nước vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong tác phẩm “Đời sống mới”. Ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo cách hỏi - đáp. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản, từ mục đích, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể, cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.  

Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm ra đời tác phẩm “Đời sống mới”; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định tác phẩm “Đời sống mới” kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến cứu quốc; đặt cơ sở cho việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay. Bên cạnh việc phân tích những giá trị lý luận của tác phẩm “Đời sống mới”, các đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành phố cũng chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo quan điểm Hồ Chí Minh; từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể.

 
 TS Nguyễn Văn Hùng tham luận tại Hội thảo


Bàn về tác phẩm “Đời sống mới” với vấn đề xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay, TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đời sống mới từ 70 năm trước đã tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nói riêng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. Do đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là điều cần thiết, cấp bách hiện nay. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Trương Thanh

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất