Bài học đoàn kết, lấy dân làm gốc từ giá trị thành công của cuộc cách mạng Tháng Tám vẫn đang được vận dụng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
|
Những ngày tháng Tám sôi sục ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta, trong đó có bài học đoàn kết, lấy dân làm gốc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Nhớ lại những ngày này, ông Hoàng Ngọc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang kể: Cách đây 72 năm, Bác Hồ từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Ngày đó, Bác đã dựa vào dân, cùng nhân dân làm cách mạng. Khi đó, cán bộ về dự Quốc dân Đại hội đã ở nhà ông và một số gia đình khác. Ngày đó, tất cả dân làng đều hết lòng ủng hộ cách mạng. Các cụ lão thành giáo dục con cháu làm cách mạng, thanh niên vào tự vệ đỏ, phụ nữ giã gạo, nấu cơm phục vụ bộ đội. Bản thân ông Ngọc khi đó là cậu bé 10 tuổi nhận nhiệm vụ đi chăn trâu và phát hiện người lạ mặt vào làng để báo cho bộ đội biết.
Nhớ lại không khí cách mạng sôi sục ngày ấy, ông kể: “Tôi nhớ, trong lúc chuẩn bị Hội nghị Trung ương và Quốc dân Đại hội, ở đây, nội bất xuất, ngoại bất nhập, cán bộ về đều có người đưa vào tập trung ở nhà tôi. Bà con ai cũng nhộn nhịp chuẩn bị, cái gì cũng muốn ủng hộ cho cách mạng. Ra ngoài đình, Bác bảo làm gì nhân dân làm cái đó như vệ sinh, nấu cơm cho Quốc dân Đại hội. Một đoàn đại biểu còn mang theo gạo, gà và 1 con bò chúc mừng Đại hội. Bác Hồ xuống cảm ơn nhân dân ủng hộ cách mạng”.
Nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ông Vũ Oanh - nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự “Quốc dân Đại hội” tại Tân Trào, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng kể lại: Cách mạng tháng Tám, khi Đảng chưa đứng ra công khai lãnh đạo, mới chỉ có 5.000 đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Ông Vũ Oanh khẳng định: nhân dân đã đẩy cách mạng đi tới thắng lợi.
“Đại hội Quốc dân Tân Trào là đại hội của đoàn kết, đại đoàn kết cả dân tộc. Bác Hồ quy tụ, đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Khẩu hiệu "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi và có dân là có tất cả. Dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi”, ông Vũ Oanh phân tích.
Lấy dân làm gốc, đoàn kết, tập hợp nhân dân và “lấy sức ta giải phóng cho ta”, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Cuộc tổng khởi nghĩa đó tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc.
Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn cho rằng: "Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, cao trào Cách mạng càng lên cao. Cụ Hồ theo dõi sát sao cuộc vận động dân tộc chúng ta. Trong quá trình vận động đoàn kết dân tộc đó, dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, của Đảng Cộng sản, từ đó đặt ra vấn đề cách mạng phải phát động toàn dân, nêu cao ngọn cờ dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân, bất cứ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản... ai có tinh thần yêu nước đều được động viên tham gia các hoạt động cứu quốc của Việt Minh".
Bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, lấy dân làm gốc của Cách mạng Tháng Tám đã được kế thừa và phát huy sau khi đất nước hòa bình và đặc biệt trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới theo tinh thần "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vậy nhưng, thời kỳ đổi mới, nhiều cán bộ đã không coi trọng bài học quý này.
Tại Đại hội XII, Đảng đã chỉ ra một thực tế hiện nay là tình trạng xa dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Vì vậy, Đại hội XII xác định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: "Quan trọng là việc làm sao phát huy dân chủ, khi Đảng lãnh đạo. Chỉ có phát huy dân chủ mới khẳng định việc Đảng đề ra, khi thực hiện đúng hay không đúng. Không bao giờ tôi hoài nghi, nhưng tôi cho rằng phải có quyết tâm trong chỉ đạo của Đảng mà phát huy dân chủ là "chìa khóa" để kiểm tra, xác định những vấn đề Đảng đề ra có được thực hiện".
72 năm trôi qua, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám với bài học đoàn kết, lấy dân làm gốc có ý nghĩa sâu sắc. Gốc có vững, cây mới bền. Hiện nay vấn đề cấp thiết đặt ra với các cấp ủy đảng, toàn hệ thống chính trị là phải tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân./.
Nguồn: vov.vn, ngày 19/8/2017