Thứ Hai, 14/10/2024
Hội đồng khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương sinh hoạt khoa học quý III/2017

Tham dự có TS. Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, các đồng chí Phó Trưởng ban: Nguyễn Lam, Trần Thị Bích Thủy và đại diện Hội đồng khoa học các Ban Đảng Trung ương cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên của Ban Dân vận Trung ương.


 TS. Thào Xuân Sùng thuyết trình chuyên đề "phương pháp nghiên cứu, khảo sát thực tế và viết báo cáo,
tờ trình, chỉ thị, nghị quyết, phát biểu của cán bộ dân vận"

Tại buổi sinh hoạt, các đại biểu đã được nghe TS. Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực thuyết trình chuyên đề "phương pháp nghiên cứu, khảo sát thực tế và viết báo cáo, tờ trình, chỉ thị, nghị quyết, phát biểu của cán bộ dân vận".

Trong chuyên đề, đồng chí nêu rõ, cán bộ, chuyên viên phải nắm chắc lý luận về công tác dân vận và vai trò của đội ngũ dân vận, vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp dân vận Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, khảo sát, tình hình nhân dân với công tác dân vận; phải thực hiện tốt 5 bước "điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và hành động" trong thực hiện công tác dân vận.

Cùng với việc đưa ra những phương pháp soạn thảo chủ yếu và các bước tiến hành xây dựng và soạn thảo văn bản báo cáo, tờ trình, chỉ thị, nghị quyết, bài phát biểu, từ thực tiễn hoạt động của bản thân, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng, một cán bộ chỉ có thể trưởng thành nhanh cả về phương diện khoa học, lãnh đạo, quản lý toàn diện và giải quyết được các vấn đề này sinh cần có được 6 chữ "T": "Thái độ cầu thị, tự học, tự giác, tự lập, tự chủ vươn lên một cách nghiêm túc, khoa học, độc lập nghiên cứu, lao động sáng tạo". 6 chữ đó sẽ thể hiện đầy đủ, rõ ràng nhất khi chuẩn bị và tham gia chuẩn bị các văn bản đó.

Đồng chí nhấn mạnh, để viết hoàn chỉnh các văn bản cần phải tuân theo ba nhóm kiến thức mang tính phương pháp luận sau: tính quan trọng, cáp bách của nội dung nghiên cứu, biên soạn, các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp chủ yếu về nghiên cứu, biên soạn, cách thức tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thu thập tài liệu.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, cán bộ, chuyên viên của Ban Dân vận Trung ương đã được nghe TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày chuyên đề: "Phát triển cộng đồng để tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn - Suy nghĩ mới về công tác dân vận"


 Các đại biểu dự sinh hoạt chuyên đề  "Phát triển cộng đồng để tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn -
Suy nghĩ mới về công tác dân vận" do TS. Đặng Kim Sơn trình bày

Nội dung chuyên đề trình bày những thực trạng và khó khăn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua, đặc biệt là trước những thách thức của cơ chế thị trường, vấn đề thể chế, nhà nước quá tải quản lý và những rủi ro phải đối mặt của người nông dân... đặc biệt là sự gắn kết cộng đồng ở vùng nông thôn đang có xu hướng ngày càng giảm dẫn đến tình trạng suy yếu động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giải quyết vấn đề này, theo TS. Sơn, trên thế giới đã xuất hiện mô hình "ngôi nhà Seamun Undong" của Hàn Quốc trong những năm 1962 - 1971. Với tinh thần Seamun Undong: "Nhằm biến đối cộng đồng nông thôn cũ thành nông thôn mới, mọi người làm việc và hợp tác với nhau xây dựng cộng đồng mình ngày một đẹp và giàu hơn, cuối cùng để xây dựng quốc gia giàu mạnh", Hàn Quốc đã khuyến khích vận động nông dân, phát huy sức mạnh cộng đồng xây dựng thành công nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đây là bài học tham khảo có giá trị quan trọng trong xây dựng, củng cố, hình thành các cộng đồng phát triển đối với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay./.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi