Thứ Ba, 31/12/2024
Tâm lý người cán bộ dân vận

Tùy môi trường làm việc (nông thôn, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp, đường phố...); tùy đối tượng vận động (công nhân, nông dân, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, dân tộc, tôn giáo) mà người cán bộ dân vận ở lĩnh vực cụ thể còn cần có nét riêng về tâm lý, năng lực, phẩm chất.

1. Về nhận thức, ý chí

Người cán bộ dân vận gắn với môi trường công việc mà hình thành các yếu tố về nhận thức, ý chí. Cụ thể là:

- Đúng mực, vững vàng, nhìn kỹ, nghĩ sâu, dám nói thật, bảo vệ cái đúng;

- Vững tin và giữ niềm tin với sự nghiệp cách mạng, bằng việc làm truyền lại niềm tin ấy cho đoàn viên, hội viên và quần chúng;

- Độc lập suy nghĩ, mạnh dạn, sáng tạo trong công việc.

2. Về tình cảm, trách nhiệm

Người cán bộ dân vận gắn bó với công việc, say mê nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất những vấn đề liên quan đến quần chúng, vì lợi ích quần chúng, cho nên:

- Dám hy sinh lợi ích cá nhân và tự xác định gắn bó với công tác dân vận;

- Băn khoăn, lo nghĩ, trăn trở trước những khó khăn, tồn tại, bức xúc trong xã hội như: đói nghèo, bất công, tiêu cực, tham nhũng, mất dân chủ, v.v..

- Sâu sát để lắng nghe được những điều bức xúc của dân, đề xuất cách tháo gỡ những bức xúc ấy, đưa lại lợi ích cho quần chúng nhân dân.

3. Về nhân cách và ứng xử của cán bộ dân vận

Người cán bộ dân vận được quần chúng nhìn nhận là tấm gương cụ thể; quần chúng giám sát và nhắc nhở để cán bộ không ngừng phấn đấu, hoàn thiện nhân cách, đồng thời hình thành thói quen và cách ứng xử phù hợp với công việc. Cụ thể là:

- Học để nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin, tiếp thu cái mới;

- Nghe các ý kiến khác nhau, thông tin nhiều chiều; nhận xét từ nhiều cương vị khác nhau, lắng nghe người phản biện;

- Bàn nhằm gợi mở cho người khác đề xuất, ủng hộ sáng kiến và đề xuất hay;

- Động viên và cổ vũ người tích cực, mô hình tốt, phổ biến kinh nghiệm hay;

- Công tâm khi phải nhìn nhận, đánh giá về thành tích của người khác, thiếu sót của mình; công bằng khi xem xét đến quyền lợi trong tập thể;

- Sửa: dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm những thiếu sót, hạn chế, quyết tâm sửa chữa để tiến lên và trưởng thành.

Trong đội ngũ cán bộ dân vận, người càng giữ cương vị chủ chốt thì càng có vai trò lớn. Những sai sót của người cán bộ dân vận dễ gây mất lòng tin của quần chúng, mất đoàn kết trong tập thể. Tài năng, đức độ, lương tâm, uy tín của cán bộ dân vận bắt nguồn từ tinh thần trách nhiệm và kết quả của công việc. Cơ quan, tổ chức, đoàn viên, hội viên luôn công bằng trong nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn và đặt niềm tin vào người cán bộ dân vận nào gắn bó và chăm lo tới lợi ích của dân, của tập thể, cộng đồng.

Gửi cho bạn bè