Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, với nhiều thời cơ và thách thức, công tác dân vận đứng trước nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn mới. Người cán bộ dân vận càng phải rèn luyện để có tác phong công tác phù hợp, dễ đi vào lòng người, tạo được ảnh hưởng tích cực. Dưới đây là một số nét về tác phong công tác của người cán bộ dân vận:
1. Gần dân, lắng nghe dân
- Gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe người dân (đoàn viên, hội viên) nói, hiểu rõ những khúc mắc và nỗi băn khoăn, lo lắng cũng như nguyện vọng của họ;
- Trò chuyện, trả lời các câu hỏi về cuộc sống đời thường của dân, của đoàn viên, hội viên;
- Đến với những người đang gặp khó khăn, những người có vướng mắc... để cảm thông, chia sẻ, góp phần tháo gỡ là để hiểu rõ mong muốn của họ.
Trong công tác dân vận cần phải tránh tình trạng: "…chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là "đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia", không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”1.
2. Gương mẫu, dân chủ, chân tình
- Tôn trọng và chấp hành nghiêm quyết định của Đảng, Nhà nước và của tập thể; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định của tập thể;
- Nhận việc khó về mình, nhường nhịn quyền lợi với người dưới quyền mình và người có khó khăn hơn mình;
- Nói gọn, rõ, dễ hiểu; nói thẳng, nói thật về công việc;
- Hỏi ý kiến, nghe góp ý của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về các chủ trương, công việc;
- Tiếp thu và ủng hộ điều hay, lẽ phải, cái mới, cái sáng tạo;
- Tình cảm, trách nhiệm, tin tưởng và quan hệ tốt với đồng chí, đồng nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”2.
3. Thận trọng, khoa học
- Công việc luôn đặt rõ yêu cầu, có kế hoạch, có biện pháp cụ thể để thực hiện đạt kết quả;
- Điều tra, nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xác định cách làm phù hợp;
- Kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn, phổ biến kinh nghiệm hay để nơi nơi thực hiện, người người quan tâm và tham gia;
- Phân tích, sơ kết, tổng kết công tác để thấy rõ cái hay, cái dở, có đúng, cái sai. Giúp nhau khắc phục thiếu sót, yếu kém, để nâng cao trình độ qua công việc của mình;
- Nhìn nhận, đánh giá cho đúng thực chất; không chạy theo thành tích, không bi quan trước thiếu sót, khuyết điểm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
"…gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống... Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi.
Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo"3.
4. Việc dân vận cần phải tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi
- Cán bộ dân vận phải tổ chức các hoạt động của quần chúng và phần lớn các hoạt động này đều tổ chức ở ngoài giờ hành chính;
- Đi tới đâu phải quan sát và suy nghĩ đến đó;
- Khi gặp khó khăn, cần tìm và nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm;
- Khi soạn thảo chủ trương, khi giải trình hoặc thuyết phục một nội dung cần phải dựa vào nguồn tư liệu sách, báo;
- Khi chưa hiểu rõ vấn đề chuyên môn phải dựa vào tư vấn của chuyên gia có đủ độ tin cậy;
- Khi quyết định một chủ trương cần phải được chuẩn bị và đưa ra tập thể bàn bạc. Muốn làm tốt công tác dân vận, người cán bộ cần đặt ra những câu hỏi: "vì sao?", "làm thế nào?", "làm lúc nào?", "ai thực hiện?”, “bao giờ xong?" và “hiệu quả ra sao?", v.v..
Người cán bộ dân vận luôn suy nghĩ, trăn trở trước những vướng mắc, khó khăn và các câu hỏi của quần chúng. Theo kinh nghiệm của người xưa: không có nghệ thuật nào hơn lòng yêu quý con người. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã nêu: "…xây dựng và thực hành phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân", “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"”4. Do vậy, công tác của người cán bộ dân vận vừa khó khăn, mới mẻ, vừa có ý nghĩa và hàm chứa tình cảm sâu sắc.
5. Những tố chất trong tác phong công tác và trường thành của cán bộ dân vận
Hoạt động và công tác trong môi trường tiếp xúc nhiều cán bộ và quần chúng tích cực, luôn được thử thách trước đòi hỏi ngày càng cao của tổ chức, đoàn viên, hội viên sẽ làm cho những cán bộ dân vận nhanh chóng trưởng thành. Điều đó được thể hiện ở những nét đặc trưng sau:
- Suy nghĩ lành mạnh;
- Thạo việc và nhạy cảm;
- Bản lĩnh và tự tin;
- Luôn tích lũy kinh nghiệm và có ý chí vươn lên;
- Tác phong giản dị, hoà mình với quần chúng.