Thứ Ba, 10/9/2024
Nghiệp vụ công tác của cán bộ dân vận: Phối hợp, liên kết trong công tác dân vận

1. Tính tất yếu của sự phối hợp, liên kết trong công tác dân vận

Phối hợp, liên kết trong công tác dân vận được bắt nguồn từ yêu cầu khách quan và cũng từ nhu cầu tự thân của công tác dân vận:

- Công tác dân vận theo quan điểm của Đảng bao gồm: công tác dân vận của các cấp ủy và tổ chức đảng; công tác dân vận của Nhà nước và các cấp chính quyền; công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội. Mỗi tổ chức có chức năng riêng và phương thức hoạt động khác nhau, nhưng công tác dân vận phải tiến hành đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp, không chồng chéo về chức năng, không lấn sân nhau. Cơ sở là nơi chứa đựng và thực hiện mọi chủ trương từ trên xuống. Thời gian và cuộc sống đời thường chỉ chọn lọc để ngưng đọng lại ở cơ sở một số những chủ trương, những hoạt động và phong trào của quần chúng bổ ích, thiết thực.

- Trong khi mỗi đoàn thể chỉ thu hút được một tỷ lệ nào đó quần chúng trở thành đoàn viên, hội viên, thì khoảng trống của các nhóm xã hội, các cộng đồng dân cư chưa tham gia tổ chức còn khá rộng. Do đó, để "...vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào..."6, thì cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể phải cùng bàn bạc và phối hợp với nhau trong công tác dân vận.

Sự liên kết, phối hợp trong công tác dân vận là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội; sẽ được phản ánh ở quy mô và tính chất của các phong trào và hoạt động chung; nó trở thành nhu cầu tự thân của công tác dân vận của hệ thống chính trị.

2. Tiến hành các hoạt động phối hợp, liên kết trong công tác dân vận

Thực tiễn cuộc sống đang khảo nghiệm và từng bước tạo ra các mô hình hoạt động để thực hiện sự phối hợp, liên kết trong công tác dân vận. Những ý tưởng tốt phải được biến thành việc làm cụ thể, thu hút được hai tổ chức hoặc nhiều tổ chức phối hợp với nhau trong các chương trình song phương hoặc đa phương.

Dưới đây là một số hoạt động phối hợp, liên kết cụ thể trong công tác dân vận.

a) Mặt trận, đoàn thể cùng tham gia chương trình kinh tế - xã hội

Các chương trình kinh tế - xã hội đang có sức thu hút Mặt trận và các đoàn thể tham gia, bởi các chương trình ấy tác động tới quần chúng, chăm lo đời sống quần chúng. Ví dụ, các chương trình: xoá đói, giảm nghèo; trợ giúp các xã khó khăn (Chương trình 135); thực hiện kế hoạch hoá gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội; vay vốn làm kinh tế gia đình, v.v..

Với các chương trình này, đáng lưu ý là:

- Vai trò chủ trì: cơ quan chính quyền, do một đồng chí có trách nhiệm đứng ra làm Chủ nhiệm chương trình, Trưởng ban chỉ đạo.

- Ban chỉ đạo: thường mời đại diện của Mặt trận, đoàn thể tham gia.

- Điều kiện thực hiện: nói chung thuận lợi, có kinh phí, có cơ quan giúp việc theo dõi thực hiện, công tác điều hành, kiểm tra, sơ kết.

b) Nghị quyết liên tịch

Nghị quyết liên tịch giữa hai bên (song phương) hoặc nhiều bên (đa phương) là sự phối hợp, liên kết tương đối dài, nội dung tương đối toàn diện để cùng đẩy mạnh thực hiện các hoạt động có phạm vi và đối tượng gần giống nhau. Ở Trung ương là phối hợp giữa Ban Dân vận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể ở Trung ương với các bộ, ngành ở Trung ương. Dưới đây là một số ví dụ về các nghị quyết liên tịch:

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với Hội Cựu chiến binh Việt Nam về giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên;

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết các vấn đề về chính sách với thanh niên xung phong;

- Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phong trào nông dân sản xuất giỏi;

- Hội Nông dân với Ban Tôn giáo Chính phủ về vận động nông dân thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước;

- Hội Nông dân Việt Nam với các bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Miền núi về giáo dục pháp luật cho nông dân ở nông thôn và vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số…

- Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, với Bộ Công an về công tác dân vận; với các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam Bộ và với Ủy ban Dân tộc về công tác đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài…

Với các loại nghị quyết liên tịch này, đáng lưu ý là:

- Danh nghĩa phối hợp: hai Ban Thường vụ đoàn thể phối hợp với nhau; Ban Thường vụ đoàn thể với bộ trưởng hoặc một số Bộ trưởng của bộ, ngành (Nhà nước) phối hợp với nhau. Nghị quyết liên tịch tạo môi trường để các cấp đoàn thể phối hợp với các cấp của chính quyền thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

- Công tác chuẩn bị: do hai cơ quan hoặc nhiều cơ quan cử ra các bộ phận chuẩn bị cho nghị quyết liên tịch hai bên hoặc nhiều bên.

- Lễ ký kết: là một nghi thức, có lãnh đạo cấp cao của các cơ quan dự ký. Sau đó văn bản được gửi theo hệ thống các bên để thực hiện.

- Việc kiểm tra, theo dõi, sơ kết là của mỗi bên. Định kỳ có cuộc gặp các bên để nhìn nhận, đánh giá chung; đôn đốc, kiểm tra và điều chỉnh chỉ đạo (thường tiến hành hằng năm).

c) Phối hợp phong trào quần chúng và thi đua yêu nước

* Mặt trận và đoàn thể phối hợp

Một thí dụ rất điển hình là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là sự phối hợp nhiều chương trình kinh tế - xã hội, hoạt động của đoàn thể ở khu dân cư, đơn vị gắn được nhiều sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Để phối hợp được tốt cuộc vận động trên, mỗi đoàn thể phải khéo chọn những hoạt động thích hợp, để với cách làm riêng, tác động riêng, hình thức riêng mà tham gia cuộc vận động chung, đạt mục tiêu chung rộng lớn và sâu sắc hơn. Tại địa bàn địa phương (tỉnh, huyện) có thể có một số phối hợp như: giao ban đôn đốc, kiểm tra chéo, tổ chức giới thiệu mô hình tiên tiến, tập huấn cách làm cho cán bộ thuộc hệ thống chính trị…

* Mặt trận, đoàn thể động viên phong trào thi đua yêu nước

Phong trào thi đua yêu nước là của toàn dân, các danh hiệu thi đua do Nhà nước ban hành và công nhận hằng năm. Phong trào thi đua của mỗi đoàn thể có thể phối hợp được với phong trào thi đua chung. Sự tham gia của một trận và các đoàn thể qua các hoạt động cụ thể sau:

- Xây dựng mô hình tốt, phổ biến áp dụng kinh nghiệm tốt của phong trào thi đua.

- Phối hợp động viên các mô hình tiên tiến, cá nhân xuất sắc động viên phong trào thi đua chung.

d) Phối hợp chỉ đạo, xây dựng tổ chức

Mặt trận, các đoàn thể chủ động hoặc do cấp ủy chỉ đạo, Mặt trận và các đoàn thể cùng phối hợp trong một kế hoạch công tác. Ví dụ: rút kinh nghiệm xây dựng cơ sở trong sạch, vững mạnh; phối hợp hoạt động của các tổ chức của cơ sở; khảo sát công tác cán bộ tại một địa bàn; kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, v.v..

Đây là dịp các tổ chức cấp trên cùng quan tâm tới địa bàn khó khăn, trọng yếu; cùng đầu tư tháo gỡ vướng mắc, xóa cơ sở “trắng”, giảm cơ sở yếu kém của các tổ chức, đoàn thể. Mặt khác, qua các đợt chỉ đạo ấy mà rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo của các tổ chức, đoàn thể. Với việc phối hợp này cần lưu ý:

- Kế hoạch chung thường do một cơ quan đề xuất, báo cáo và mời đại diện các đoàn thể tham gia. Có trường hợp cấp ủy giữ vai trò chủ trì phối hợp sự chỉ đạo thực hiện.

- Lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác phù hợp với tính chất, quy mô của kế hoạch chung. Cấp ủy trưng tập cán bộ hoặc các cơ quan cử người tham gia Ban chỉ đạo, Tổ công tác trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch chung.

- Cuối đợt công tác sơ kết, đánh giá kết quả công việc phối hợp thực hiện kế hoạch trên để kết thúc một công việc chung đã đề ra.

- Nếu là việc phối hợp để khảo sát tình hình thực tế, thì trong báo cáo kết quả khảo sát phải nêu được những kiến nghị về các giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trên địa bàn; báo cáo gửi cho các cơ quan có trách nhiệm nắm được, đồng thời đề nghị cấp ủy chủ trì bàn việc xử lý các tồn đọng trên.

- Phối hợp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ: ở các tỉnh đều có các trường bồi dưỡng cán bộ, ở huyện, quận có trung tâm bồi dưỡng cán bộ. Với điều kiện vật chất và kinh phí cụ thể, hằng năm các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể bàn bạc phối hợp mở:

+ Lớp bồi dưỡng cán bộ cho từng đoàn thể;

+ Bồi dưỡng chuyên đề công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo... chung cho cán bộ hệ thống chính trị.

Đây là dịp cung cấp những thông tin mới (nghị quyết, chỉ thị...) của Đảng và các chủ trương của Nhà nước để nâng cao năng lực công tác cho cán bộ dân vận, Mặt trận và các đoàn thể.

e) Xây dựng quy chế phối hợp, liên kết

Khi một số chương trình phối hợp, liên kết của công tác dân vận trở nên ổn định, có thể tiến hành lâu dài thì giữa hai bên hoặc nhiều bên cần đưa hoạt động hành nền nếp thông qua xây dựng quy chế phối hợp, liên kết. Ví dụ một số quy chế hoạt động của:

- Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ;

- Ban chỉ đạo công tác tôn giáo;

- Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội;

- Đoàn thể tín chấp vay vốn ngân hàng cho đoàn viên, hội viên…

Đối với các chương trình ngắn hạn thì các quy định trách nhiệm của các bên dược ghi thành một điểm cụ thể ngay tại văn bản phối hợp, liên kết của các bên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận… Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo"; "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được".

Đó là những lời chỉ dẫn hết sức quan trọng cho cán bộ trong quá trình phối hợp để làm tốt công tác dân vận.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất