Thứ Bảy, 21/12/2024
Nghiệp vụ công tác của cán bộ dân vận: Tổ chức nghiên cứu về công tác dân vận (P.1)

1. Lựa chọn đề tài khoa học

Đề tài khoa học về dân vận có thể do cấp trên xác định hoặc do từng cấp lựa chọn.

Đề tài do cấp trên nêu ra gọi là đề tài được chỉ định, cấp dưới thực hiện dưới hình thức một hợp đồng nghiên cứu, hoặc cấp trên chủ trì nghiên cứu, cấp dưới hưởng ứng, phối hợp cùng nghiên cứu.

Loại thứ hai phổ biến hơn đối với công tác dân vận hiện nay là: cấp dưới, xuất phát từ đặc điểm cụ thể của mình, bổ sung vào đề tài do cấp trên nêu ra một số vấn đề cho phù hợp.

Đề tài do từng cấp lựa chọn để tiến hành nghiên cứu gọi là đề tài tự chọn. Việc tự chọn đề tài nghiên cứu xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo ở từng nơi. Việc làm này khá công phu, không thể tùy tiện. Người ta thường căn cứ vào những điểm dưới đây để quyết định hướng nghiên cứu:

- Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn không? (việc nghiên cứu để làm căn cứ định ra chủ trương nào, giải quyết cho vấn đề thực tiễn nào...).

- Đề tài có tính cấp bách không? (nhằm giải quyết vấn đề bức xúc hay hoạch định nhiệm vụ dài hạn…).

- Có đủ điều kiện bảo đảm cho việc hoàn thành đề tài không? Điều kiện nghiên cứu đại thể như: cơ sở thông tin dữ liệu, quỹ thời gian và kinh phí tối thiểu, lực lượng cộng tác viên...

- Đề tài có phù hợp với năng lực, sở trường của người chủ trì nghiên cứu không?

Sau khi đã lựa chọn đề tài, cần chú ý việc đặt tên đề tài. Tên đề tài phải súc tích, cô đọng, nhiều thông tin. Cần tránh đặt tên đề tài với những cụm từ khó định lượng như: “Một số vấn đề…”; “Vài suy nghĩ về...”; “Góp phần vào…”. Trong tên đề tài cũng không nên sử dụng tùy tiện những cụm từ nêu mục đích, mở đầu bằng “Để…”; “Nhằm...”; “Phục vụ cho...”.

Sau khi đã có đề tài, cần chú ý việc tổ chức nghiên cứu. Đề tài có thể do một người thực hiện nhưng cũng có thể do một nhóm người thực hiện. Thông thường, một đề tài do một nhóm người thực hiện, có chủ nhiệm đề tài và thư ký đề tài. Chủ nhiệm đề tài thường là người có kinh nghiệm nghiên cứu. Thư ký đề tài theo dõi việc thực hiện cụ thể của đề tài, làm báo cáo, phụ trách tài chính, tổ chức việc in ấn, nghiệm thu, quyết toán.

2. Xây dựng đề cương nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu để trình các cơ quan có thẩm quyền duyệt và cấp kinh phí, và là cơ sở để xét duyệt, nghiệm thu. Nội dung đề cương nghiên cứu cần thuyết minh các vấn đề sau:

- Lý do chọn đề tài: phân tích sơ lược lịch sử vấn đề nghiên cứu để phát hiện khía cạnh cần nghiên cứu; giải thích lý do lựa chọn của tác giả về mặt lý thuyết và về mặt thực tiễn.

- Xác định rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu: đối tượng là toàn bộ sự vật trong phạm vi quan tâm của đề tài nghiên cứu. Phạm vi nghiên cứu là giới hạn của đối tượng nghiên cứu về không gian, thời gian và quy mô vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy phạm vi nghiên cứu không nên mở ra quá rộng mà càng hẹp càng có điều kiện đi sâu nhưng phải bảo đảm yêu cầu nghiên cứu. 

- Xác định mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu: mục tiêu nghiên cứu là cái đích mà người nghiên cứu vạch ra để thực hiện. Căn cứ mục tiêu nghiên cứu mà xác định nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể.

3. Xác định kế hoạch nghiên cứu

- Kế hoạch tiến độ;

- Kế hoạch nhân lực và phối hợp lực lượng;

- Lập dự toán tài chính.

Một số nơi thường ghép kế hoạch nghiên cứu vào đề cương nghiên cứu. Hai văn bản này có nội dung và mục đích khác nhau, nên tách riêng.

4. Tiến hành nghiên cứu

Thông thường, việc nghiên cứu khoa học về dân vận bao gồm những công việc sau:

- Điều tra, khảo sát tình hình thực tế;

- Hội thảo khoa học;

- Viết báo cáo khoa học của đề tài nghiên cứu.

a) Điều tra, khảo sát tình hình thực tế

Có nhiều phương pháp để điều tra, khảo sát tình hình thực tế. Ở đây chỉ đề cập đến phương pháp trưng cầu ý kiến là phương pháp phổ biến và có vị trí chủ đạo trong nghiên cứu xã hội. Đây là phương pháp thu thập thông tin sơ cấp trên cơ sở tác động qua lại về mặt tâm lý xã hội.

Người nghiên cứu lập ra một bảng hỏi với bố cục bao gồm Lời nói đầu (kêu gọi, đề nghị trả lời; bảo đảm bí mật cho người trả lời; các câu hỏi tiếp xúc như hỏi về lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn, địa vị xã hội, nơi cư trú…) và phần nội dung chính với các câu hỏi đóng, câu hỏi mở và câu hỏi kết hợp. Cần sử dụng một số câu hỏi kiểm tra. Việc thiết kế câu hỏi phải bám sát đề cương nghiên cứu, đi vào những vấn đề trọng tâm tìm hiểu, từ ngữ phải rõ ràng, dễ hiểu, không dùng những khái niệm mơ hồ khi chỉ số lượng, định lượng về thời gian, không gian (ví dụ: ghi rõ ngày, tháng, năm, không nói đôi khi, thỉnh thoảng, không nói: có lẽ, hình như, đồn rằng…); không dùng những danh từ chuyên ngành hẹp, tiếng nước ngoài hoặc từ địa phương... mà ít người biết. Câu hỏi phải sát trình độ người được hỏi. Dung lượng hỏi không nên quá nhiều, người trả lời phải sử dụng khoảng 30 phút là vừa. Cuối bảng hỏi nên có lời cảm ơn, sự hứa hẹn của cơ quan lấy ý kiến.

Khi xây dựng xong bảng hỏi, cần tập huấn kỹ những người đi phỏng vấn. Chọn địa điểm, tình huống, thời điểm phỏng vấn cho thích hợp. Người đi phỏng vấn cần chú ý phong cách, trang phục, tránh gây ra sự khó chịu cho người được phỏng vấn. Cần chú ý tốc độ phỏng vấn phù hợp với từng đối tượng. Khi đi phỏng vấn, lúc đầu người phỏng vấn phải qua giai đoạn làm quen, sau đó mới vào nội dung phỏng vấn và khi kết thúc cần tạo bầu không khí tin cậy, thân mật để còn có dịp gặp phỏng vấn tiếp.

Sau khi thu được các bảng hỏi, cơ quan nghiên cứu tiến hành xử lý thông tin có thể bằng một trong hai phương pháp: phương pháp giản đơn và phương pháp xử lý thông tin trên máy vi tính.

Tùy theo tình hình, mức độ vấn đề cần nghiên cứu, người nghiên cứu có thể sử dụng cách nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở với nhiều cách khác nhau: gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, quần chúng ở cơ sở. Song, dù bằng cách nào, vấn đề quan trọng là phải bám sát đề cương để tìm hiểu, phân tích tình hình thực tế. Qua quá trình xử lý thông tin, người nghiên cứu thu thập được trước hết là thông tin sơ cấp cấp 1, rồi thông tin sơ cấp cấp 2 (thông tin đã xử lý thuần túy về mặt kỹ thuật), cuối cùng là thông tin cao cấp.

(còn tiếp)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất