Thứ Bảy, 21/12/2024
Nghiệp vụ công tác của cán bộ dân vận: Hướng dẫn tổ chức Hội thi cán bộ "Dân vận khéo"

1. Mục đích cuộc thi

- Góp phần tuyên truyền và phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

- Khuyến khích tinh thần nhiệt tình, sáng tạo, cổ vũ động viên và nhân rộng các điển hình, mô hình làm "Dân vận khéo", thu hút sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp của các cơ quan, ban, ngành đối với công tác dân vận của Đảng.

- Giao lưu học hỏi, nâng cao năng lực, khuyến khích tinh thần nhiệt tình và sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong lĩnh vực công tác vận động quần chúng về tư duy chính trị, khả năng công tác, trách nhiệm và kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung và cán bộ trực tiếp tham gia công tác dân vận

2. Đối tượng dự thi

- Cán bộ cấp ủy đảng, cán bộ chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, các lực lượng vũ trang (công an, quân đội, bộ đội biên phòng).

- Tùy theo tình hình cụ thể ở các địa phương, có thể mời những người có uy tín tham dự, như: các nhà sư, nữ tu, các chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng bản…

3. Nội dung cuộc thi

Mỗi lần tổ chức thi "Dân vận khéo” cần có chủ đề riêng. Thí sinh dự thi với ba nội dung, được gợi ý, hướng dẫn để mọi người quan tâm, đó là:

- Phần lý thuyết: Tìm hiểu các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các chủ trương lớn triển khai tại địa phương...

- Phần thực hành: Thí sinh phải trả lời các câu hỏi về xử lý tình huống thuộc các lĩnh vực: đất đai, dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đông người, đền bù giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân...

- Phần năng khiếu: Do cá nhân tự lựa chọn các hình thức mà cá nhân có thể tham gia sinh hoạt với tập thể, như: hát, múa, ngâm thơ, tiểu phẩm, kịch, tấu, kể chuyện, thuyết trình gọn theo chủ đề, tuyên truyền miệng... với nội dung gắn với công tác dân vận.

4. Hình thức thi

- Tổ chức theo hình thức thi vấn đáp, trả lời công khai, có Ban giám khảo chấm điểm và người dẫn chương trình có gợi ý, hướng dẫn, kèm theo lời bình luận, cổ vũ. Người dự thi tham gia bốc thăm trả lời câu hỏi lý thuyết, câu hỏi ứng xử tình huống và trình bày phần thi năng khiếu mà cá nhân tự chọn.

- Nếu thi cá nhân với ba phần: trả lời câu hỏi lý thuyết, xử lý tình huống dân vận và thi năng khiếu.

- Nếu thi tập thể cần lưu ý: thêm phần tự giới thiệu về địa phương, cơ sở mình và phần thi trả lời câu hỏi lý thuyết, xử lý tình huống và thi năng khiếu toàn đội. Khuyến khích hình thức "sân khấu hóa" gắn với chủ đề hội thi.

- Có thể thi hỗn hợp của cá nhân và các đội dự thi theo cách xen kẽ, hợp lý.

5. Giải thưởng

- Trao giải thưởng cho cá nhân, tập thể bằng tiền mặt hoặc hiện vật.

- Ngoài các giải thưởng trị giá bằng tiền mặt hoặc các hiện vật; các địa phương, đơn vị nên có các hình thức khác, như: trao cờ lưu niệm hội thi, bằng khen, giấy khen…

6. Chỉ đạo thực hiện

Để hội (cuộc) thi được tiến hành nghiêm túc, dân chủ, công khai, hiệu quả, Ban Dân vận các cấp cần làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo và tổ chức thực hiện như sau:

- Ban Dân vận cấp ủy các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ra thông tri hoặc thông báo về lãnh đạo hội (cuộc) thi.

- Xây dựng kế hoạch, trình thường trực cấp ủy thông qua, mở hội nghị quán triệt, triển khai đến các cấp, các ngành, Ban Dân vận và Khối Dân vận cơ sở. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở để tạo được sự đồng tình, nhất trí cao và sự phối hợp chặt chẽ, sự giúp đỡ tạo điều kiện về mọi mặt, như: kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, con người, tài liệu...

- Ban Dân vận cấp ủy là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức hội (cuộc) thi, có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo, Ban tổ chức trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức hội (cuộc) thi, đồng thời báo cáo với Ban chỉ đạo cuộc thi và cấp ủy về tiến độ, kết quả triển khai thực hiện hội (cuộc) thi.

7. Các bước tiến hành

Ban Dân vận các cấp tham mưu cho cấp ủy về chủ trương tổ chức hội (cuộc) thi và có kế hoạch quán triệt, triển khai hướng dẫn nội dung và tổ chức hội (cuộc) thi từ cơ sở đến các cấp, các ngành.

- Thành lập Ban chỉ đạo hoặc Ban tổ chức hội (cuộc) thi; Ban giám khảo, tổ thư ký, tổ hướng dẫn chương trình, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huy động đông đảo lực lượng tham gia hội (cuộc) thi. Nếu cần, có thể mời một số chuyên gia làm tư vấn cho các nội dung hội (cuộc) thi.

- Chuẩn bị nội dung câu hỏi thi (lý thuyết xử lý tình huống), đáp án, thang điểm, kinh phí, địa điểm, các giải thưởng cuộc thi và các điều kiện cần thiết khác cho hội (cuộc) thi…

- Tổ chức chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm để hướng dẫn thêm việc tổ chức thi rộng rãi ở các loại hình cơ sở và tiến hành thi ở từng cấp.

- Tổ chức thi chung kết gắn với đánh giá quá trình chỉ đạo, tổ chức thi; khen thưởng, biểu dương, động viên phong trào; tổng kết rút kinh nghiệm hội (cuộc) thi cán bộ "Dân vận khéo” của địa phương.

8. Những điểm cần lưu ý

- Ở mỗi cấp thi đều tiến hành chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh nội dung thi, đáp án, phương pháp chỉ đạo... rồi mới triển khai ra diện rộng.

- Hệ thống câu hỏi (lý thuyết và xử lý tình huống) cần hết sức cụ thể, chi tiết, chính xác, dự kiến được các tình huống phát sinh. Có những câu hỏi mở để phát huy tính sáng tạo của đối tượng dự thi.

- Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần hết sức lưu ý khâu tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành. Chuẩn bị chu đáo, khuyến khích sáng tạo, năng động của các cấp, các ngành và thí sinh tham dự hội thi. Tổ chức tốt người dự và cổ vũ các thí sinh.

- Đối với các cấp cơ sở có thể tổ chức thi buổi tối. Địa điểm thi nên tổ chức ở hội trường lớn hoặc có thể tổ chức ngoài trời, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

- Trong quá trình thi có thể xen kẽ văn nghệ. Nên có hình thức mở rộng để các khán giả có thể tham gia vào hội (cuộc) thi, giao lưu giữa khán giả và thí sinh dự thi với Ban tổ chức..., tạo cho hội thi có sự hấp dẫn và mang tính quần chúng rộng rãi.

- Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức hội thi ở cấp tỉnh và huyện nên bố trí để có đại biểu của các ngành tham gia như: Ban Dân vận, Tuyên giáo, Tổ chức, Nội vụ, Văn hóa - thông tin, giáo viên trường chính trị, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân (các hội quần chúng), các cơ quan thông tin đại chúng... Đối với cấp cơ sở nên mời (vận động) các đồng chí là thành viên khác của khối Dân vận tham gia.

- Lựa chọn thời gian tổ chức thi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời tiết, mùa vụ của từng địa phương, cơ sở. Nên chủ động bố trí thời gian tổ chức thi vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (ngày 3-2), sinh nhật Bác (ngày 19-5), Quốc khánh (ngày 2-9), ngày Dân vận cả nước (ngày 15-10)…

Mỗi nhiệm kỳ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tổ chức được một hội (cuộc) thi cán bộ “dân vận khéo” là thiết thực góp phần vào quá trình đổi mới công tác dân vận của Đảng, tạo được một sinh hoạt có màu sắc sống động trong công tác dân vận ở địa phương, cơ sở.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất