Thứ Hai, 30/12/2024
Hướng dẫn triển khai, kiểm tra thực hiện chủ trương công tác dân vận

Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các chủ trương công tác nói chung, công tác dân vận của Đảng là việc làm thường xuyên, là một khâu quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng cấp trên đối với cấp dưới; của Ủy ban MTTQ và ban chấp hành đoàn thể cấp trên với cấp dưới. Chủ trương công tác phải được hướng dẫn để việc thực hiện được đồng bộ, thống nhất, thông suốt tới cơ sở. Qua quá trình thực hiện, cấp trên lại phải kiểm tra, đôn đốc để xem xét chủ trương công tác được triển khai vào thực tế như thế nào; xác định nhân tố mới xuất hiện để nhân rộng; tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới, điều chỉnh lại chủ trương, biện pháp sao cho sát hợp hơn; tiến hành việc sơ kết, tổng kết chủ trương đã đề ra.

            Giúp cho cấp ủy, ban chấp hành đoàn thể tiến hành hướng dẫn, kiểm tra chủ trương công tác có các ban công tác chuyên môn, hoặc có cán bộ mà cấp ủy, ban chấp hành phân công theo dõi chuyên sâu.

            1. Hướng dẫn triển khai chủ trương công tác

            a) Thời điểm phải hướng dẫn chủ trương công tác

            Tổ chức cấp trên (cấp ủy, ban chuyên môn của cấp ủy, ban chấp hành đoàn thể) tiến hành hướng dẫn cấp dưới khi:

            - Có quyết định quan trọng (nghị quyết, chỉ thị...) của cấp ủy, ban chấp hành cấp trên cần triển khai rộng rãi ở địa phương, cơ sở (Ví dụ: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch vận động nhân dân giám sát thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”...).

            - Chương trình công tác, chủ trương chỉ đạo hoặc triển khai cuộc vận động, phong trào thi đua của quần chúng liên quan đến nhiều cơ sở, nhiều địa bàn, nhiều đối tượng (Ví dụ: Hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", công tác dân vận trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững...).

            b) Cách thức hướng dẫn

            Trong các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, ban chấp hành, ban thường vụ của một cấp bộ giao cho các cơ quan giúp việc, cấp dưới trực thộc có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiến hành hướng dẫn thông thường đã được xác định.

            Việc hướng dẫn thông thường bằng hình thức ra văn bản hướng dẫn (có thể có cả việc tổ chức hội nghị triển khai văn bản hướng dẫn).

            Căn cứ để hướng dẫn là các văn bản gốc (nghị quyết, chỉ thị…) đã định ra chủ trương, nay cần được cụ thể hóa để có thể thực hiện đồng bộ, thống nhất.

            Xây dựng văn bản hướng dẫn là sự cụ thể hóa các chủ trương tiến hành; đề ra yêu cầu, nội dung, biện pháp, cách thức, thời gian thực hiện cụ thể…

            Cấu trúc của văn bản hướng dẫn có thể bao gồm:

            - Đặt vấn đề: Căn cứ yêu cầu, lý do, phạm vi thực hiện văn bản hướng dẫn.

            - Nội dung việc triển khai chủ trương: Công việc và mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phải thực hiện (học tập, phổ biến, hoạt động, tổ chức thi đua, vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, tương trợ nhau, chọn điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình, v.v..).

            - Tổ chức thực hiện: Phân công trách nhiệm cụ thể trong triển khai, theo dõi; việc kiểm tra, thời điểm rút kinh nghiệm, biện pháp động viên đơn vị làm tốt khẩu hiệu và danh hiệu thi đua, v.v..

            Mở hội nghị triển khai văn bản hướng dẫn: Với các chủ trương quan trọng của cấp ủy, ban chấp hành, ban thường vụ thường triển khai hướng dẫn thực hiện thông qua hội nghị do cấp ủy, ban thường vụ chủ trì. Còn một chủ trương đã được triển khai thì chỉ gửi văn bản hướng dẫn cho cấp dưới thực hiện.

            2. Kiểm tra thực hiện chủ trương công tác

            Kiểm tra thực hiện chủ trương công tác là một khâu quan trọng giúp cho các cấp ủy, ban chấp hành, ban thường vụ của một cấp đi vào thực tế để xem tổ chức, cấp dưới của mình đã triển khai chủ trương và kết quả thực hiện như thế nào. Qua đó hiểu rõ hơn khó khăn, thuận lợi, nhân tố mới và những mặt hạn chế, bất cập phải khắc phục…để chủ trương công tác đạt được hiệu quả tốt hơn; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Công tác kiểm tra bao gồm các việc sau:

            a) Chủ trương tiến hành kiểm tra

            Thuộc thẩm quyền và được bàn bạc quyết định của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ của một cấp theo Điều lệ của Đảng, đoàn thể đã quy định.

            Khi quyết định việc kiểm tra, cơ quan ra quyết định phải nêu rõ: kiểm tra nội dung, vấn đề gì; thời gian kiểm tra; phân công cán bộ phụ trách (trưởng, phó đoàn kiểm tra) và các thành viên đoàn kiểm tra.

            b) Lập đoàn kiểm tra

            Do tính chất cụ thể của từng công việc, vụ việc phải kiểm tra mà việc lập đoàn kiểm tra thể hiện rõ tư tưởng chỉ đạo, phạm vi, trách nhiệm của từng đoàn kiểm tra.

            - Đoàn kiểm tra của cấp ủy, ban chấp hành (của một cấp bộ) do một đồng chí chủ chốt của ban thường vụ chịu trách nhiệm; đồng thời chỉ định thêm các thành viên thuộc các cơ quan chức năng có thể thực hiện tốt công việc kiểm tra.

            - Đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng (ủy ban kiểm tra, ban thanh tra) là tổ chức được đại hội hoặc các ban chấp hành bầu hoặc cử ra; tiến hành kiểm tra theo chương trình công tác hoặc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm quy định của tổ chức.

            Tất cả chủ trương, kế hoạch tổ chức kiểm tra được thông báo cho cơ quan, tổ chức được kiểm ra để có sự chuẩn bị, làm tốt công việc trên.

            c) Xây dựng kế hoạch kiểm tra

            Văn bản kế hoạch kiểm tra cần thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, đối tượng (cơ quan, tổ chức), địa điểm tiến hành việc kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra (thường được thể hiện trong một văn bản riêng), trách nhiệm của đoàn kiểm tra, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được kiểm tra.

            d) Tiến hành kiểm tra

            Theo kế hoạch, việc kiểm tra được tiến hành tại địa điểm thực tế. Công việc gồm:

            - Nghe báo cáo đã được chuẩn bị theo yêu cầu;

            - Nghiên cứu tài liệu liên quan;

            - Làm việc riêng với từng cá nhân, đơn vị có trách nhiệm;

            - Họp đoàn kiểm tra nhận xét sơ bộ;

            - Trao đổi lại với lãnh đạo cơ quan, tổ chức được kiểm tra;

            - Ra văn bản kết luận cuộc kiểm tra, việc phải xử lý hoặc kiến nghị xử lý;

            - Gửi báo cáo tới các cơ quan có liên quan, nêu rõ kiến nghị và việc phải giải quyết qua cuộc kiểm tra.

            e) Xử lý kết quả kiểm tra

            Cơ quan ra quyết định kiểm tra phải nghe báo cáo kết quả việc kiểm tra, nhận định và kết luận cuộc kiểm tra; làm rõ những việc làm chưa đúng, mức độ sai sót, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức được kiểm tra.

            Qua kiểm tra một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cấp ủy, ban chấp hành, ban thường vụ cần xem xét rút kinh nghiệm và có thể ra thông báo rộng hơn về những vấn đề, bài học kinh nghiệm được rút ra qua đợt kiểm tra nhằm giúp cho nhiều đơn vị điều chỉnh các chủ trương, biện pháp chỉ đạo ngày càng sát hợp hơn./.

                                                                                    Trung Kiên

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi