Thứ Tư, 24/4/2024
Đưa tư tưởng dân vận của Bác vào đời sống hàng ngày của chúng ta*

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm xưởng sản xuất vật liệu xây dựng
của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1969. 
Ảnh: TTXVN

Tôi đã đọc bài Bác viết về dân vận. Có thể nói, Bác viết đầy đủ về những vấn đề cơ bản nhất, thiết thực nhất của công tác dân vận, và rất trúng với tình hình của mình lúc này, lúc mà tình hình đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của mọi người dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi rất chú ý tới mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý với dân, và giữa người lãnh đạo, người quản lý với người dân. Ở đây khoảng cách vẫn còn xa. Ta nói dân chủ, nhưng thực sự chưa làm được nhiều đâu. Cho nên bài của Bác viết về dân vận là cực kỳ quý báu. Từng ý của Bác đều có giá trị lý luận và thực tiễn, và mang tính thời sự nóng hổi. Tôi nghĩ các đồng chí tổ chức hội thảo về tư tưởng dân vận của Bác là rất tốt, rất trúng. Song đừng để hội thảo chỉ là hội thảo. Tôi muốn thiết thực và hiệu quả. Vấn đề đặt ra là làm sao để tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành, bàn kỹ từng ý của Bác và quán triệt nó trong việc làm hàng ngày. Vấn đề thật đơn giản, không cao xa gì, nhưng thực hiện lại khó và kém hiệu quả. Ở đây cái khó là người có chức có quyền, người phải gần dân lại xa dân. “Quốc nạn” tham nhũng, buôn lậu, quan liêu, lãng phí, ức hiếp dân, hạch sách dân, tất cả cái đó do đâu? Do các ông có chức có quyền chứ đâu phải là người khác. Vậy muốn chống những tệ nạn đó mà không có sự tham gia của dân mà chỉ có những người có chức có quyền làm thì không bao giờ làm được. Còn việc sản xuất, phát triển kinh tế, đều do dân làm. Muốn làm tốt và sửa cái làm chưa tốt cũng cần phải có dân vận. Đoàn kết chưa tốt cũng là vấn đề của dân vận.

Làm sản xuất kinh doanh là việc mới và khó, nhưng nhất định ta làm được. Song chống các tệ nạn xã hội, chống sự suy đồi về đạo đức, ô nhiễm môi trường xã hội là cái đáng lo lắm đấy. Việc này cũng là dân làm thôi. Như Bác nói: Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Tôi gợi ý với các đồng chí là phải bàn với các ngành, các cấp của chính quyền, ngành nào cấp nào, tổ chức nào có liên quan nhiều đến dân mà chưa làm, hoặc làm chưa tốt thì phải suy nghĩ và phải làm.

Trước đây, nếu không có vận động nhân dân thì không có kháng chiến. Bác Hồ đã đi vào dân. Mọi việc là của dân. Đánh giặc là dân. Không có súng thì có gì đánh nấy. Dân ta đã làm như vậy và kháng chiến đã thành công. Lúc cần đến dân thì dân vận tốt. Nay có chính quyền, có xe, có đủ thứ thì xa dân. Phải chấn chỉnh lại. Phải làm cho được, và làm kiên trì. Phải làm sao cho Đảng, Nhà nước này gần dân hơn và lo cho dân ngày càng tốt hơn. Nếu khoảng cách giữa dân với Đảng, với Nhà nước ngày càng rộng thì hãy coi chừng. Nếu đất nước hòa bình, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác dân vận càng rất quan trọng. Và làm dân vận lúc này càng khó hơn khi bộ máy của ta quan liêu, xa dân. Có dân thì không kẻ địch nào phá được ta, và mọi việc sẽ thành công.

Tôi hoan nghênh các đồng chí đã sưu tầm, phát hiện ra bài Dân vận của Bác, đã thấy được giá trị của bài đó. Các đồng chí định dùng bài này để “XEO” công tác dân vận lên. Đó là việc làm tốt. Tư tưởng dân vận của Bác thể hiện trong nhiều tác phẩm. Việc tổ chức ra Mặt trận và các đoàn thể và những quan điểm về xây dựng các tổ chức đó cũng là sáng kiến của Bác. Trước đây mình làm tốt. Bây giờ mình không coi trọng công tác này.

Tôi ủng hộ các đồng chí làm hội thảo. Song phải làm cho tốt, cho thiết thực và có hiệu quả. Tôi muốn nhấn mạnh cái đó. Muốn nói trời nói đất gì thì nói, nhưng cuối cùng phải có hiệu quả. Mà hiệu quả là công tác quần chúng muốn làm được thì phải phối hợp với Chính phủ và các ngành các cấp của Chính phủ, có cơ chế làm việc, chứ không thì một bên có quyền, có tiền thì xa dân, còn một bên gần dân nhưng không có tiền không có phương tiện, không có quyền lực. Hai bên phải cộng tác với nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bài, Bác Hồ có nói: Những người làm dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh chỉ thị, giấy tờ. Phải thật thà nhúng tay vào việc. Mình làm là để dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Cái gì đem lại lợi ích thiết thực cho dân thì mình làm, và làm đến nơi đến chốn.

Bài của Bác là tuyệt vời, cho nên tôi ủng hộ các đồng chí làm triệt để. Bây giờ phải làm thôi. Các đồng chí phải có mục tiêu bao quát, có chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Phải kết hợp với các ngành, các cấp, tác động cả hệ thống.

Trong các đoàn thể, tôi lưu ý các đồng chí phải chú ý giúp đỡ Đoàn Thanh niên làm việc và biết cách làm việc trong tình hình mới. Trong thanh niên đang có xu hướng chạy theo thị hiếu tầm thường. Dân mình đang còn nghèo, còn phải lo đủ thứ. Phải giúp Đoàn Thanh niên biết làm những việc thiết thực, thu hút lôi cuốn thanh niên vào những công việc ích nước lợi nhà và gìn giữ truyền thống văn hóa của cha ông. Vấn đề thanh niên là một trong những vấn đề chủ chốt của sự nghiệp của chúng ta.

Chúc các đồng chí làm việc thiết thực hiệu quả và thành công./.

-----------------------------------------

* Phạm Văn Đồng, “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.499.

(Tạp chí Dân vận, số 10/2020)

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất