Thứ Bảy, 21/12/2024
Cần thấu hiểu chiều sâu tư duy lý luận Hồ Chí Minh về dân vận và thấu cảm tấm gương mẫu mực thực hành dân vận của Người

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong,
 huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956)  (Ảnh tư liệu)

1. Ba vấn đề cốt yếu cần thấm nhuần trong nghiên cứu và vận dụng tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, chúng ta thường nhấn mạnh bài báo “Dân vận” rất nổi tiếng của Người, năm 1949, ở chiến khu Việt Bắc.

Vận dụng tư tưởng dân vận của Người, chúng ta cũng thường chú trọng lời dạy về “Dân vận khéo” mà Người nêu lên cách đây đã hơn bảy thập kỷ.

Nhận thức và thực hành như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ. Có ba vấn đề lý luận - thực tiễn cốt yếu cần nhận thức đúng để có hành động sáng tạo sau đây:

Thứ nhất, dân vận, tức là vận động quần chúng làm cách mạng là một tư tưởng lớn, nổi bật, xuyên suốt và nhất quán trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, nói rộng hơn là trong toàn bộ di sản, trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Thời gian càng lùi xa, giá trị, ý nghĩa và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh càng tỏa sáng hơn bao giờ hết.

“Dân vận” có chủ thể là Dân. Dân vận kết tinh cả khoa học và nghệ thuật thức tỉnh, giác ngộ dân chúng, tập hợp dân chúng thành lực lượng, hướng dẫn dân chúng hành động trong các phong trào cách mạng rộng lớn để dân bộc lộ sức mạnh và vai trò quyết định của mình “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, phấn đấu hy sinh vì dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

Ba giá trị cốt lõi của giải phóng và phát triển “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là khát vọng ngàn đời của nhân dân ta mà người thể hiện khát vọng, ý chí, mong ước, hy vọng của lòng dân đến độ thấu hiểu và thấu cảm sâu sắc, chân thành nhất chính là Hồ Chí Minh.

Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh hình thành từ rất sớm, ngay từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân - đó là mục đích vĩ đại và động cơ cao thượng: Yêu nước thương dân, vì dân vì nước. Trong các bước ngoặt của cuộc hành trình tư tưởng, khi đã nhận rõ con đường cách mạng, giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu chân lý thời đại, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ngày càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò to lớn của dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và trách nhiệm lịch sử của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ tới địa vị người chủ và làm chủ.

Cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng lý luận cách mạng về dân vận là ở chỗ, Người nhìn thấu suốt triển vọng của lịch sử là do dân chúng quyết định. Dân là chủ thể và chủ động chứ không phải là khách thể bị động và thụ động. Thức tỉnh dân, động viên toàn dân tin vào sức mình, lại công phu giáo dục, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp dân chúng để dân chúng đoàn kết lại, đồng tâm nhất trí hành động sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là thiên tài của Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng lớn của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, người thầy vĩ đại đã nêu gương dân vận đúng và dân vận khéo, suốt đời truyền ánh lửa của niềm tin, truyền cảm hứng của hy vọng vào mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ, mọi lứa tuổi vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì “Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết” để “Thành công - Thành công - Đại thành công”.

Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc trong mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng giành chính quyền, lập Đảng, lập Nước, vừa kháng chiến vừa kiến quốc cho đến thắng lợi hoàn toàn vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới(1).

Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh thể hiện sinh động trong hàng loạt tác phẩm với sự đa dạng, phong phú của rất nhiều thể loại: Văn kiện chính trị, Lời kêu gọi, thư từ, báo chí, thơ ca, hò vè, tranh cổ động, cho đến khẩu hiệu tuyên truyền mà nhân vật trung tâm là Dân, động lực to lớn là Đoàn kết, phương châm và phương pháp thực hành là dân chủ và dân vận.

Bài báo “Dân vận”, ngày 15/10/1949 chỉ là tác phẩm điển hình, kết tinh nổi bật tư tưởng Dân vận của Người. Phải nghiên cứu các tác phẩm của Người một cách hệ thống, toàn diện qua các thời kỳ lịch sử với điểm nhấn là tác phẩm “Dân vận” thì mới có thể cảm nhận được chiều sâu tư duy lý luận của Người, từ đó mới thấy rõ tầm nhìn chiến lược, tư tưởng Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển của Người mãi mãi còn giá trị đối với Đảng, với Dân tộc và Nhân dân ta.

Thứ hai, những chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh về dân vận không chỉ là tư tưởng mà còn thấm nhuần đạo đức, trở thành phong cách, điển hình nhất là phong cách dân chủ, gắn liền dân chủ với đoàn kết để đạt tới sự đồng thuận.

Nghiên cứu tư tưởng Dân vận của Hồ Chí Minh phải thấy rõ sự thống nhất chỉnh thể giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách. Nó đồng thời còn thể hiện đặc sắc và tinh tế phương pháp Hồ Chí Minh. Người đề cập tới phương pháp một cách dung dị, khiêm tốn mà sâu sắc, đó là “cách làm”. Cách làm ấy, làm đúng như Hồ Chí Minh đã làm thì sẽ đạt được “dân vận khéo”.

Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, giữa khoa học với nghệ thuật dân vận mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Đó là một năng lực sáng tạo văn hóa, là bản lĩnh văn hóa của Người, từ văn hóa tư duy đến văn hóa làm việc, trong lãnh đạo và quản lý, trong tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình, đặc biệt là văn hóa ứng xử của Người, chân thành - tinh tế - bao dung có sức thuyết phục, cảm hóa muôn người.

Thứ ba, Hồ Chí Minh là con người hành động, với phương châm nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, nói đi đôi với làm, đã nói là làm, phải nghĩ kỹ có làm được thì mới nói, mới hứa. Phải tôn trọng dân nên phải giữ đúng lời hứa với dân. Bí quyết thành công trong dân vận là gắn liền quyết tâm với tín tâm và đồng tâm. Người là bậc thầy với tấm gương mẫu mực thực hành dân vận. Mỗi chúng ta cần phải nỗ lực thấu hiểu và thấu cảm về Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách của Người. Noi gương Người thực hành dân vận lúc này không có gì thiết thực hơn làm cho dân hài lòng vì công việc và thái độ của chúng ta trong quan hệ với Dân.

2. Chiều sâu tư duy lý luận dân vận của Hồ Chí Minh

Năm 1920, vào tuổi 30, Nguyễn Ái Quốc tán thành đường lối của Quốc tế cộng sản, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Người còn được thừa nhận là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Bước ngoặt này trong cuộc hành trình tư tưởng của Người không chỉ ở chỗ từ một người yêu nước, có tinh thần dân tộc trở thành một người cộng sản và chiến sĩ quốc tế chân chính mà còn ở chỗ, từ đây, Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, chuẩn bị nền tảng lý luận cho sự ra đời của Đảng cách mạng ở Việt Nam, đào tạo thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam. “Người gieo hạt giống đầu tiên” ấy cũng là “người thắp lửa đầu tiên”, đem ánh sáng soi đường cho quần chúng, giác ngộ họ, đưa họ vững bước trên “Đường cách mệnh”. Nguyên lý kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử. Nguyễn Ái Quốc, từ rất sớm đã nhận ra “Công Nông là gốc của cách mệnh”(2). Sau này, Người còn nhấn mạnh, công tác vận động quần chúng, tức là dân vận được đặt ở tầm chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cả phong trào và sự nghiệp.

Ngày 25/12/1921, Người dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mác xây với tư cách là đại biểu chính thức.

Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Le Paria - diễn đàn của các dân tộc thuộc địa. Người viết lời kêu gọi mọi người gia nhập Hội và tham gia đấu tranh vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ.

Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội đồng nghiên cứu vấn đề thuộc địa ngày 24/5/1922. Tuyên ngôn nêu rõ mục đích tố cáo trước dư luận những tội ác của chủ nghĩa thực dân, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân các thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Người còn viết tờ truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, trong đó nhấn mạnh “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại!”. Đây là sự bổ sung, phát triển tư tưởng của Mác - Ăngghen và Lênin về khẩu hiệu đoàn kết trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do Nguyễn Ái Quốc nêu ra, thể hiện đậm nét tư tưởng sáng tạo của Người về đường lối, phương châm cách mạng, về dân vận với biên độ rộng lớn từ dân tộc tới quốc tế, tới thế giới nhân loại.

Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô. Trước khi đi, Người để lại một bức thư cho các đồng chí của mình. Trong thư, Người nêu rõ: “Các bạn thân mến! Bấy lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thương yêu nhau như anh em. Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh, giành tự do, độc lập”(3).

Vậy là trong đoạn thư ngắn này ta thấy rõ, tư tưởng dân vận của Nguyễn Ái Quốc gắn liền với tư tưởng đoàn kết - đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Người cũng nêu rõ mục đích, nội dung và phương thức công tác dân vận với những trù tính rất cụ thể, thiết thực. Đó là nền móng tư tưởng lý luận, phương pháp và phong cách dân vận của Người trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam tại Quảng Châu. Trong chương trình huấn luyện, ngoài việc cung cấp những tri thức lý luận về cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, Người đặc biệt coi trọng huấn luyện về phương pháp vận động cách mạng. Tháng 6/1925, Người thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, tổ chức tiền thân của Đảng cách mạng sau này. Ngay sau đó, tháng 7/1925, “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” ra đời. Đây là một tổ chức quốc tế bao gồm người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia, Miến Điện do Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đồng chí Trung Quốc thành lập, ra Tuyên ngôn nhấn mạnh việc áp dụng phương pháp cách mạng để lật đổ ách thống trị thực dân, giải phóng các dân tộc bị áp bức, giành độc lập dân tộc. Cuối năm 1925, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản tại Pari. Người còn dịch và phổ biến Quốc tế ca theo thể thơ lục bát làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Năm 1927, cuốn “Đường cách mệnh”, tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các khóa huấn luyện chính trị ở Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản.

Tư tưởng lý luận và phương pháp dân vận của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện nổi bật trong tác phẩm này, bao quát từ vai trò của lý luận và của Đảng cách mệnh đến vận động cách mệnh trong công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên và các tổ chức quần chúng khác, kể cả trong nước và quốc tế.

Những ý tưởng sâu sắc lại được diễn đạt giản dị, súc tích, đi sâu vào bản chất của vấn đề, hợp với yêu cầu của thực tiễn và trình độ của quần chúng được thể hiện sinh động qua ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc.

Mở đầu tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc nói về “Tư cách một người cách mệnh”, nhấn mạnh ở hàng đầu vấn đề đạo đức. “Tự mình phải” với 14 tiêu chí, mà trước hết phải cần kiệm, phải cả quyết sửa lỗi mình, phải vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng tham muốn về vật chất. Những phẩm chất đó rất cần cho người cán bộ cách mạng làm công tác dân vận. Rõ ràng, theo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đạo đức là yêu cầu hàng đầu để làm dân vận thành công, phải nêu gương đạo đức cho dân tin, dân theo.

Người còn chỉ rõ cả yêu cầu về phương pháp “hay hỏi, nhẫn nại, hay nghiên cứu, xem xét, nói thì phải làm” và “đối người phải”: với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người khác… “làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm và phục tùng đoàn thể”(4).

Đây là những chỉ dẫn quan trọng để rồi định hình tư tưởng dân vận vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Công tác dân vận gắn liền giáo dục - tuyên truyền - vận động với tổ chức lực lượng, phong trào và chỉ đạo thực hiện, đưa quần chúng vào hoạt động.

Giải thích “Vì sao phải viết sách này”, Người đã viết những lời thôi thúc, giục giã, nhấn mạnh sáu điểm trong mục đích, bao hàm những tư tưởng lớn(5):

+ Vì sao phải cách mệnh;

+ Cách mệnh là việc chung cả dân chúng;

+ Nêu gương cách mệnh các nước;

+ Học hỏi kinh nghiệm phong trào thế giới;

+ Cách mệnh phải làm thế nào? (phương pháp).

Người thức tỉnh dân chúng “phải kêu to, làm chóng để cứu giống nòi”, sách này cho đồng bào ta xem, rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên, đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”(6).

Người cũng nói rõ: “Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh!”(7). Mà “cách mệnh là gì? Là phá cái cũ, đổi ra cái mới, phá cái xấu, đổi ra cái tốt”(8).

Dù đã 95 năm trôi qua, luận điểm đó của Người vẫn còn nguyên giá trị, đã trở thành một tư tưởng kinh điển, dù không hề diễn đạt hàn lâm, bác học. Đó là điểm tựa vững chắc định hướng cho công tác dân vận của Đảng trong mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng.

Những kết luận trong tác phẩm này có giá trị như những nguyên lý, nguyên tắc chỉ đạo cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng. Đó là:

- Cách mệnh trước (trước hết) phải làm cho dân giác ngộ.

- Cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu.

- Cách mệnh phải hiểu phong triều thế giới, phải bày sách lược cho dân.

- Cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh. Trước hết, phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi… Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin (chủ nghĩa Mác - Lênin)(9).

Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài, vượt qua bao khó khăn, thử thách, hiểm nguy, niềm tin khoa học và bản lĩnh cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn được giữ vững, kiên định, không gì lay chuyển được. Như Người đã từng nói, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người, trở thành khát vọng, hoài bão suốt đời của Người chỉ là nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành. Cách mạng thành công, quyền phải trao vào tay dân chúng số nhiều, dân chủ là kết tinh mọi quyền lực, mọi lợi ích của dân, dân là chủ và dân làm chủ. Đảng chỉ vì Tổ quốc, Dân tộc và Nhân dân mà tồn tại, mà phấn đấu hy sinh. Ngoài ra, Đảng không có bất cứ lợi ích nào khác.

Đó là những giá trị cốt lõi chỉ đạo mục đích, động cơ, lẽ sống và hành động của Người. Đó cũng là những giá trị cốt lõi của mục đích, nội dung, phương pháp dân vận của Hồ Chí Minh, của Đảng ta.

Năm 1941, Người về đến địa đầu Tổ quốc ở Pắc bó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người lãnh đạo Đảng ta chuyển hướng chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc tại Hội nghị Trung ương 8 và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, ngày 19/5/1941, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chớp lấy thời cơ, đón kịp tình thế đã chín muồi để làm cách mạng Tháng Tám, năm 1945, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đây là thời kỳ của những bước ngoặt lớn trong cuộc đời Hồ Chí Minh, gắn liền với vận mệnh Tổ quốc và thay đổi số phận của dân tộc ta.

Những quyết định trọng đại, sáng suốt của thiên tài Hồ Chí Minh, của Đảng ta đều dựa trên sự phân tích khoa học tình hình thế giới và trong nước, với một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của nhân dân. Triết lý cách mạng của Người nhấn mạnh “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” mà nhân hòa là gốc. Năm 1942, tác phẩm “Lịch sử nước ta” của Người được xuất bản, trong đó nhấn mạnh bài học đoàn kết thì thắng lợi và chia rẽ thì thất bại. Tư tưởng dân vận của Người lại gắn chặt với chiến lược Đại đoàn kết. Ở cuối tác phẩm, Người đưa ra dự báo “Năm 1945, Việt Nam độc lập”. Thực tiễn lịch sử đã xác nhận tính đúng đắn, chính xác đến cao độ dự báo thiên tài của Người, bởi Người thấu hiểu lòng dân và sức mạnh vô địch của nhân dân một khi được thức tỉnh, được phát động. Cùng năm đó, từ tháng 8/1942, Người chính thức lấy tên là Hồ Chí Minh(10). Cái tên ấy cùng với bao tên khác trong cuộc đời Người - Một cuộc đời huyền thoại là kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn Người - Ái Quốc để Ái Dân. Đó chẳng những là tên gọi của Người đi cùng lịch sử mà còn là linh hồn, là tuyên ngôn, là thông điệp về dân vận của Hồ Chí Minh.

Trong Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh và trong lịch sử Văn kiện Đảng, Đảng ta còn ghi rõ, sau Hội nghị Trung ương 8, ngày 06/6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư Kính cáo đồng bào, gửi tới các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Đây là lời kêu gọi thống thiết của Người: “… Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu lửa nóng”…; “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm… người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”(11).

Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội cách mạng, ngày 22/12/1944, Người nhấn mạnh “đã đến lúc cuộc đấu tranh phải chuyển từ hình thức chính trị tiến lên hình thức vũ trang, nhưng lúc này, chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tìm một hình thức thích hợp thì mới có thể đi tới thành công”(12).

Người nhấn mạnh chính trị và chú trọng chức năng tuyên truyền của đội quân giải phóng. Đó là tư tưởng dân vận trong Quân đội, trong quân sự. Có dân giúp đỡ thì mọi khó khăn đều vượt qua được. Cho nên, khi mới ra đời, Quân đội ta theo phương châm “người trước súng sau” và Dân vận luôn luôn là bản chất, là nguồn sống, dinh dưỡng và sinh khí của Quân đội vốn “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Sau này, Người còn căn dặn “Quân đội với nhân dân phải như cá với nước”, “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của quân đội”. Quân đội cách mạng từ tướng lĩnh chỉ huy đến chiến sĩ phải làm gương mẫu trong công tác dân vận, sao cho “khi sắp đến thì dân mong, khi ở thì dân thương, khi đi thì dân nhớ”. Đó là bí quyết của thành công, trăm trận trăm thắng. Công an nhân dân cũng vậy. Là lực lượng vũ trang bảo vệ dân, bảo vệ Đảng và chế độ, Công an nhân dân phải “kính trọng lễ phép với dân”, “phải cần kiệm liêm chính”, “phải tuyệt đối trung thành”, phải tận tụy và “với địch phải cương quyết khôn khéo”(13).

Đó là những chuẩn mực không bao giờ xa rời, để “Quân đội nhân dân”, “Công an nhân dân” suốt đời trung với Đảng, trung với Nước và hiếu với Dân. Cái mục đích cao quý của dân vận là ở đó.

Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13 - 15/8/1945), Quốc dân Đại hội đã họp ở Tân Trào (ngày 16 - 17/8/1945) để thảo luận và thông qua mười chính sách của Việt Minh, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi. Sau lễ tuyên thệ dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, với lời thề “Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”(14), Hồ Chí Minh nhân danh Ủy ban dân tộc giải phóng có Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi tới đồng bào cả nước. “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(15). Đây là một trong những đỉnh cao của công tác dân vận trong thời điểm bước ngoặt, là hành động của toàn dân làm nên chiến thắng, cũng là thời điểm khai hoa kết quả của sự nghiệp Dân vận của Đảng, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được chuẩn bị công phu suốt 15 năm, từ khi Đảng ra đời để làm nên kỳ tích cách mạng trong 15 ngày, với lòng quả cảm hy sinh của 5.000 đảng viên nhưng có bệ đỡ yêu nước, tin Đảng từ 20 triệu đồng bào cả nước.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19/12/1946. Lãnh tụ tối cao của toàn Đảng toàn dân lại có lời kêu gọi kết tinh hồn thiêng sông núi. “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu làm nô lệ”. “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. “Kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành”.

Chính trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, từ căn cứ địa cách mạng - ATK Định Hóa, Tân Trào, bao nhiêu Văn kiện quan trọng nổi bật tư tưởng nhân dân và Dân vận của Hồ Chí Minh đã ra đời, đã đi vào cuộc sống của toàn dân: “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới” (1947), “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (1948), đặc biệt là “Dân vận” (1949) được xem như Cương lĩnh công tác vận động quần chúng của Đảng.

Hai mươi năm sau, kể từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946, đến ngày 17/7/1966, Hồ Chí Minh lại có “Lời kêu gọi đồng bào cả nước chống Mỹ xâm lược”, với độ kết tinh chân lý lớn nhất của lịch sử trong chín chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Cũng 20 năm sau, kể từ “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 - một áng thiên cổ hùng văn trong thời đại Hồ Chí Minh, đến tháng 5/1965 vào dịp sinh nhật 75 tuổi, Hồ Chí Minh thanh thản viết bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí mà ta gọi là Di chúc của Người. Người sửa Di chúc lần cuối cùng vào tháng 5/1969 và đúng vào ngày Quốc khánh 02/9/1969, Người vĩnh biệt chúng ta, đi vào cõi vĩnh hằng. Di chúc đã trở thành Bảo vật Quốc gia, là Quốc bảo mà cũng là Pháp bảo cho muôn đời. Bản văn 1.000 từ đó chứa đựng một tư tưởng lớn về Đổi mới và về Dân vận.

Người hình dung Đổi mới là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Người căn dặn về Dân vận: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(16). Hiếm có ai trong cõi đời này, đã nhất quán, trung thành với lý tưởng, nặng lòng thương yêu tin cậy nhân dân vận thủy chung tình nghĩa với Dân và dân vận như Hồ Chí Minh.

Như vậy, để hiểu những tư tưởng cao quý của Người về dân vận trong bài báo nổi tiếng ngày 15/10/1949, cần phải nghiên cứu hệ thống các tác phẩm của Người trong hành trang tư tưởng sáu thập kỷ như đã dẫn ở trên. Để thấu hiểu tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh, một trong những tài sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta, cần nghiền ngẫm sâu sắc vì sao Người mở đầu lý luận dân vận bằng dân chủ với sự khẳng định chân lý của muôn đời:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(17).

Kính trọng, lễ phép với dân thì phải suốt đời nêu cao và thực hành văn hóa trọng dân, văn hóa trọng pháp trong một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân chủ. Do đó, dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào(18).

Dân vận phải thật thà nhúng tay vào việc. Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm(19).

Và suốt đời, phải tâm niệm để thực hành chân lý “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(20).

3. Một tấm gương mẫu mực thực hành dân vận

Căn nguyên sâu xa và động lực mãnh liệt thúc đẩy Hồ Chí Minh bền bỉ suốt đời thực hành dân vận bởi Người thương yêu nhân dân, đặt niềm tin cao độ vào vai trò, sức mạnh nhân dân, bởi lẽ sống cao thượng mà Người lựa chọn: Làm đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân. Đây là kết tinh tư tưởng trí tuệ, đạo đức, lối sống, lẽ sống của Người, hợp thành Phong cách và Văn hóa dân vận mà Người trao truyền cho chúng ta, có trong cuộc đời và sự nghiệp của Người, trong Quốc bảo và Pháp bảo Hồ Chí Minh mà chúng ta nâng niu, trân trọng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mãi mãi về sau.

Để dân vận, Người thường xuyên đến với dân. Quan liêu, mệnh lệnh, hành chính là xa lạ với bản chất, mục đích của dân vận. Người thực hành dân vận gắn liền với thực hành dân chủ, thực hành đoàn kết và đại đoàn kết, nhất là thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, suốt đời không màng danh lợi, luôn đứng ngoài vòng danh lợi để suốt đời đánh bại chủ nghĩa cá nhân - giặc nội xâm nguy hiểm nhất.

Người căn dặn chúng ta và tự mình nêu gương cho mọi người noi theo: Gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, được lòng dân nhất. Một tấm gương sống còn có giá trị, ý nghĩa hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Người nói và viết giản dị để hợp với ý nguyện và trình độ của dân.

Người quan tâm rất mực đến cuộc sống của dân, hiểu lòng dân và làm tất cả những gì có thể làm được cho dân đỡ khổ, vất vả, gian nan. Vào lúc cuối đời, trong Di chúc, Người dặn lại chúng ta “miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân”, tìm cách giảm dần sự đóng góp của dân, nhất là nông dân. Hiếm có lãnh tụ nào, chọn những gia đình nghèo túng nhất để đi thăm lúc giao thừa như Hồ Chí Minh. Trước khi mất, Người còn kịp sửa chữa từng dòng, từng câu Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp.

Mười năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, Người vẫn thực hiện 700 lần đến với dân, nhất là ở nông thôn, hỏi han mùa màng và bữa ăn hàng ngày của dân, cùng nông dân tát nước chống hạn. Cũng mười năm cuối đời, Người chăm chú tổng kết những tấm gương “người tốt việc tốt”, tặng 5.000 huy hiệu cho những người có thành tích, từ em nhỏ đến cụ già. Người để lại danh ngôn: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”. Phút lâm chung, trên giường bệnh, tâm trí minh mẫn, thông tuệ của Người dành để nghĩ về dân. Người nói trong hơi thở nghẹn ngào “Bác không thể bỏ dân mà đi được”. Người hỏi tin chiến thắng ở miền Nam, “Miền Nam luôn ở trong trái tim Người”. Người lo lắng hỏi tin “Đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?”. Người cũng không quên đàn cháu nhỏ, sắp vào ngày khai giảng, đã chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?...

Một đời làm cách mạng, làm dân vận, Người đã “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”. Người dấn thân tranh đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, dâng hiến trọn vẹn, toàn vẹn cho dân, đến mức hóa thân vào Dân vào Nước.

Bài học và tấm gương mẫu mực thực hành dân vận của Người là bài học lớn của một nhân cách lớn mà chúng ta nguyện học tập và làm theo Người mãi mãi. Noi gương Người thực hành dân vận lúc này, không có gì thiết thực hơn làm cho dân hài lòng vì công việc và thái độ của chúng ta trong quan hệ với dân./.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

--------------------

1, 16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, CTQG, H.2011, Tập 15, tr.614, tr.617.

2 ,4, 5, 6, 7, 8, 9.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, CTQG, H.2011, Tập 2, tr.288; tr.280-281; tr.282-283; tr.283; tr.284; tr.284; tr.284.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, CTQG, H.2011, Tập 1, tr.209.

10, 11, 12, 14, 15. Hồ Chí Minh, Tiểu sử, NXB LLCT, H.2006, tr.294; tr.279; tr.306-307; tr.321; tr.322.

13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr.498-499.

17, 18, 19, 20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 6, tr.232; tr.233-234; tr.234; tr.234.

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất