Thứ Sáu, 13/9/2024
Bài học dân vận trên đồng Cờ Đỏ

Ngày ấy không có máy gặt nên toàn bộ cánh đồng mênh mông lúa phải gặt bằng tay và bộ phận tuốt lúa làm công việc sau cùng. Ròng rã gần cả tháng trời mới xong công việc. Thôi qua rồi những ngày nắng cháy, tay áo dài, cầm liềm cắt lúa hăng say vì chia khoán theo từng trung đội, tiểu đội. Nhìn ai cũng sạm nắng gió đồng vì trên đồng chỉ có nắng, gió thừa thãi, thiếu bóng cây che mát. Cũng rất may là trên các bờ bao, có chuối xiêm xanh mướt vì hợp với đất ruộng.

Toàn đơn vị được lệnh đóng quân tại chỗ, chờ lệnh mới vì lúc ấy tình hình biên giới tây nam khá căng thẳng. Chúng tôi tự làm lều trên bờ bao, cứ hai người làm một chiếc lều bằng rơm. Chỗ nằm cũng lót rơm nên rải chiếu lên là ngủ êm lắm...


 Cờ Đỏ chú trọng phát triển nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới 

Hằng ngày, chúng tôi đi đào chuột đồng về làm nhiều món đặc sắc, nào chuột xào lá cách, chuột nướng, chuột nấu cháo, chuộc xào sả ớt… Chuột trên đồng Cờ Đỏ nhiều vô kể. Chúng ăn lúa từ lúc hạt lúa ngậm sữa đến lúc lúa chín nên con nào con nấy mập tròn, thịt thơm phức.

Kế đến là tát đìa bắt cá. Đìa ở đây là những mương nước sâu, thường ờ cuối mảnh ruộng. Khi đến mùa lúa chín, cũng là lúc trời chuyển sang mùa khô. Trước đó, nước rút về các đìa nên cá theo về sinh sống trong đó, chờ mưa xuống lại trở ra tung tăng khắp nơi. Do đó, cá nhỏ chúng tôi không bắt mà chỉ bắt cá lóc và các loại cá lớn khác…

Mải mê trong “chiến thắng” sau mỗi lần tát đìa, chúng tôi chợt giựt mình vì không còn cái đìa nào còn nguyên để lấy nước tắm giặt, nấu cơm, nấu nước uống!

Một số nhà dân xung quanh cũng lâm vào cảnh ngộ như chúng tôi vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Các đìa xung quanh đã bị các chú bộ đội tát cạn, làm nước đục ngầu cả rồi. Họ còn nói sẽ lên tận tiểu đoàn để “mét” cho mấy ảnh xử lý chúng tôi!

May sao, có bác Hai nhà ở cách chỗ chúng tôi chừng nửa cây số, biết chuyện và đến tìm. Bác nói: “Lẽ ra, trước khi tát đìa, mấy chú phải hỏi ý kiến mấy nhà dân quanh đây. Vì đìa là nguồn nước sinh hoạt trong mấy tháng mùa khô của bà con trên đồng này từ hồi nào tới giờ. Sao các chú không hỏi dân để biết, xin phép tát đìa nào, chừa đìa nào mà tát ráo trọi vậy?”. Chúng tôi chỉ biết ngồi im lặng, bởi sự việc rất sai là quá chủ quan, không gắn kết với dân vì họ là “thổ địa” ở đất này!

“Giờ đã lỡ rồi, thôi nhà tui cũng còn mấy cái đìa nước sạch. Các chú cho người qua lấy nước về xài đỡ” - Bác Hai nói tiếp: Nếu tắm giặt thì có đìa riêng phía bên kia!”.

Chúng tôi thiệt lòng xin lỗi bác Hai, xin lỗi mấy nhà dân xung quanh, vì mình mà phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Cũng may là các gia đình đều thông cảm, bỏ qua cho sự non nớt trong xử thế của chúng tôi!

Người dân đã bỏ qua, đã thông cảm, nhưng chúng tôi không bỏ qua cho chính mình được về bài học phải dựa vào dân, hiểu dân, học dân, không tách rời dân! Bởi vì “Quân với dân bao đời nay như cá với nước!”./.

Lê Đức Đồng

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất