Thứ Sáu, 13/9/2024
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận đã chủ động quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh. Công tác tiếp dân và giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Trong 05 năm qua, đã tiếp 14.766 lượt/12.149 lượt người; 81 lượt đoàn đông người/1.244 lượt người; giải quyết 4.439/4.682 đơn khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 95%.

Công tác đối thoại được cấp ủy, HĐND, UBND các cấp thực hiện theo Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 42 của UBND tỉnh. Qua 5 năm, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đã tổ chức 133.700 cuộc đối thoại với người dân và doanh nghiệp để công khai, minh bạch các chương trình, dự án, nhất là các dự án có thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư, định canh và giải quyết kịp thời những nguyện vọng, bức xúc chính đáng của nhân dân. Đến nay, có 100% các sở, ngành, địa phương thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ trực tuyến. Có 1.805 dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và 4, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi đến giao dịch công việc. UBND tỉnh đã ban hành 72 quyết định công bố thủ tục hành chính; có 519 thủ tục hành chính được công bố sửa đổi, bổ sung và thay thế. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đã được nâng cao.


 Điệu múa truyền thống trong Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai và đăng ký thi đua hằng năm theo yêu cầu đề ra. Các đơn vị đã đăng ký 799 mô hình “Dân vận khéo” (trong đó, có 669 mô hình tập thể, 130 mô hình cá nhân). Qua đó, kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những kết quả thiết thực.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo theo các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Công tác phản biện xã hội được đổi mới theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức 42 cuộc giám sát; 27 hội nghị phản biện; cấp huyện tổ chức 189 cuộc giám sát, 75 hội nghị phản biện.

Tập huấn, bồi dưỡng công tác dân vận đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm; đã tổ chức 06 lớp tập huấn cho 1.007 cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở; 03 lớp tập huấn cho 267 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện về kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Riêng năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng về công tác dân vận cho 155 cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành của tỉnh; các phòng, ban của huyện và cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 3.358 km2, dân số trên 593.640 người, có 06 huyện và 01 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn, 402 thôn, khu phố. Tỉnh có 33 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 75,6%; 32 dân tộc thiểu số (Raglai, Chăm, Cơ Ho; Hoa…) chiếm 24,4%.

Kết quả triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh về công tác dân vận; thực hiện hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc, tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

Để tiếp tục triển khai thực hiện công tác dân vận, trong đó có công tác dân vận của chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục thực hiện tốt, đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Một là, triển khai thực hiện tốt công tác dân vận theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận chính quyền; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác dân vận; trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI); Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 16/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ...

Hai là, tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại của nhân dân; tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, tổ chức, doanh nghiệp định kỳ và đột xuất theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị; phân công cán bộ theo dõi, phụ trách công tác dân vận; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác dân vận ở các sở, ngành của tỉnh, các phòng, ban của huyện, thành phố, các thành viên ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở các xã, phường, thị trấn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát của cộng đồng, tổ hòa giải ở các địa phương; giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng của nhân dân; kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân.

Ba là, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; thực hiện hiệu quả các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XII).

Bốn là, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân ngay từ đầu khi thực hiện các chương trình, dự án, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư, định canh. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm quản lý của người đứng đầu trong việc thực hiện văn hóa công sở.

Năm là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, trong đó có cán bộ Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội... Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác dân vận; qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; phát huy những ưu điểm và nhân rộng các điển hình tiên tiến để việc tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền trên địa bàn của tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả./.

Chamaléa Thị Thủy

UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất