Chủ Nhật, 22/12/2024
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên

 “Điểm ATM gạo hỗ trợ nhân dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19”
 tại thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam,
Tỉnh Đoàn Phú Yên và UBND Thị xã Đông Hòa phối hợp tổ chức      

Thực hiện chủ trương của Đảng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 1.776 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an - ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Một số cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có tính lan tỏa cao trong cộng đồng đã tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia, góp phần tạo sự đồng thuận, tin tưởng, thống nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều mô hình, điển hình được địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như các mô hình: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng đem lại kinh tế cao”, “Trồng hoa tết và cây rau màu”, “Khóm ở Đồng Din” ở huyện Phú Hòa; “Sản phẩm du lịch cộng đồng” tại làng rau Ngọc Lãng, thành phố Tuy Hòa; “Cánh đồng mẫu lớn, quy mô 20 ha” với 132 hộ tham gia tại thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An; Câu lạc bộ Nữ doanh nhân xây dựng “Quỹ khởi nghiệp 200 triệu đồng” giúp phụ nữ khó khăn vay vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; sản xuất than củi trấu của thanh niên trẻ Nguyễn Văn Nghị, huyện Đông Hòa; điển hình của đồng chí Nguyễn Trường An, Bí thư Chi bộ thôn Thạch Khê (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) vận động 61 hộ dân giao hơn 5.820m2 đất của  để thi công dự án nuôi trồng thủy sản… Thông qua các mô hình, điển hình đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo nhiều công ăn, việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Nhiều hội viên, đoàn viên của các tổ chức hội, đoàn thể đã trở thành chủ trang trại, gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp biểu dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và sự tham gia tích của nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là các mô hình, điển hình trong công tác phối hợp vận động nhân dân hiến gần 190.000m2 đất, hơn 15.470 ngày công lao động, đóng góp 72,5 tỷ đồng sữa chữa, làm mới đường bê tông nông thôn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp. Kết quả tính đến tháng 07/2022, toàn tỉnh có 63/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 76%), mức đạt bình quân 17,34 tiêu chí/xã; có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 09 vườn mẫu nông thôn mới; 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, trọng tâm là vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tập trung đẩy mạnh với những cách làm hay, sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện.

Nhiều mô hình tiêu biểu như: “Chuyến xe nghĩa tình” đưa đón gần 17.000 công dân Phú Yên từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê của chính quyền tỉnh; “Tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng” của Công an tỉnh; “Gian hàng 0 đồng”, “Tổ hỗ trợ nông vụ” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “ATM gạo” của Tỉnh đoàn; “Bếp ăn tình nguyện” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; “Chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19” của Trường THPT Lương Văn Chánh, thành phố Tuy Hòa… được triển khai đã tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, qua đó góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội.

Một số mô hình tiêu biểu như: “Nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, vì dân phục vụ” của Công an thành phố Tuy Hòa; “Tham gia tuyên truyền chủ quyền biển đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn và hòa giải các vụ việc tranh chấp ngư trường, tông, va, mang lưới trên biển” của Đồn Biên phòng Xuân Đài, thị xã Sông Cầu; “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “Vận động trẻ em không tham gia các tệ nạn xã hội và bỏ học giữa chừng” của Khối đoàn thể xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa; “Thiết lập dữ liệu và tra cứu nhanh xác định đối tượng tái phạm hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt để xử lý theo quy định pháp luật” của Chi bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Tuy Hòa; “Phối hợp công tác dân vận ở vùng giáp ranh với Ban Dân vận huyện ủy Krông Pa (Gia Lai), Ban Dân vận huyện ủy MĐrắk (Đắk Lắk)” của Ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh…

Đối với lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng Đảng; tập trung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân; vận động, tạo đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Một số mô hình hoạt động hiệu quả như: “Tăng cường công tác dân vận hướng về cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trọng điểm” của Công an tỉnh; “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt ở khu dân cư” tại phường 1, phường 5, phường 7, thành phố Tuy Hòa; “Nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh, tác phong, đạo đức nghề nghiệp, hiệu quả trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã” của Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Sông Cầu; “Thực hiện tốt công tác thanh tra kinh tế - xã hội và giải quyết khiếu nại, tố cáo” của Chi bộ Thanh tra tỉnh…

Từ những đóng góp tích cực của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra (trong đó về đích sớm 4 chỉ tiêu); tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 7%; quy mô nền kinh tế tăng lên gấp 1,6 lần so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,22% (là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ những năm trước).

Qua thực tiễn kết quả đạt được, có thể khẳng định phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự đi vào đời sống xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế theo chức năng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tập trung hướng hoạt động của phong trào vào những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình, điển hình; chủ động, sáng tạo trong xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng các mô hình, điển hình trong  tham gia phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận trong tình hình mới; chủ động, kịp thời phát hiện nhân tố mới trong xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” để tuyên truyền nhằm tạo sức lan tỏa của phong trào trên tất cả các lĩnh vực…/.

Đinh Thị Thu Thanh

UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất