Thứ Sáu, 13/9/2024
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

 Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2027
giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh Hà Tĩnh  

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng, những năm qua BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận; kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận sát với tình hình nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do thực tiễn đặt ra. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang có nhiều chuyển biến rõ nét; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước các cấp, từng bước chuyển nhận thức từ quản lý theo mệnh lệnh, hành chính sang chính quyền hỗ trợ, phục vụ nhân dân; xây dựng và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; quan tâm các chính sách hướng đến đối tượng số đông, chính sách an sinh xã hội. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm và tác phong, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, quan hệ với nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, tham gia cùng địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Từng bước thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, xây dựng đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị đã thay đổi theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm và được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện qua kết quả của công tác vận động nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh như: công tác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư để triển khai các công trình, dự án trọng điểm; công tác khắc phục sự cố môi trường biển; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; trong triển khai các hoạt động an sinh xã hội… Gần đây là xây nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và làm nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở; gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi… Công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra đối với tỉnh; qua đó tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân và xây dựng được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Tuy vậy, việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng chậm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận; chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận các cơ quan nhà nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt. Việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc nên một số cơ chế, chính sách ban hành hiệu quả không cao. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, dẫn đến đơn thư tồn đọng, vượt cấp, có vụ việc kéo dài nhiều năm không giải quyết được, tạo tiềm ẩn phức tạp ở cơ sở. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại một số địa phương, đơn vị có lúc, có nơi còn hình thức. Vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa rõ nét; năng lực tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân có nơi, có lúc chưa kịp thời; việc triển khai thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn lúng túng.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh Hà Tĩnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong điều kiện dự báo có nhiều khó khăn, thách thức, công tác dân vận có vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận; trọng tâm là Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Quyết định số 269, ngày 30/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tiếp tục phát huy vai trò công tác dân vận của lực lượng vũ trang. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hóa nền hành chính. Nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách và cán bộ tham mưu về công tác dân vận, đặc biệt thực hiện nghiêm túc việc phân công đồng chí chủ tịch UBND các cấp phụ trách công tác dân vận và chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền các cấp phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận theo quy định; nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động gắn với xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong tập hợp, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương; giải quyết tháo gỡ kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Phát huy rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu, triển khai thực hiện công tác dân vận. Các tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền như: công tác tuyên truyền, vận động; công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận; công tác tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác dân vận; các cơ chế phối hợp liên ngành, chương trình phối hợp giữa các ban, chế độ giao ban, hội nghị chuyên đề; công tác dân vận tham gia giải quyết tình huống phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh….

Với quyết tâm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp trong tình hình mới, nhất định công tác dân vận tỉnh Hà Tĩnh sẽ khơi dậy tinh thần và ý chí, khát vọng vươn lên góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh, đặc biệt là mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước./.

Trương Thanh Huyền

UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh


 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất