Thứ Hai, 27/1/2025
Nhớ mãi một nhân cách dân vận

 Đồng chí Trương Quang Được trồng cây lưu niệm tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ)

Trong quá trình làm việc, anh Trương Quang Được thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt tình hình, say mê học hỏi, tìm tòi; làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, đổi mới, sáng tạo và luôn ghi đậm dấu ấn phong cách “Dân vận khéo”, được đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân yêu mến, quý trọng và nhớ thương.

Một trong những vinh hạnh của cuộc đời tôi là đã từng được trực tiếp phục vụ, tháp tùng anh với nhiều chuyến công tác ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở, khi anh Trương Quang Được về làm Trưởng ban, Ban Dân vận Trung ương từ tháng 01/2000 đến tháng 5/2002.

Ngay sau khi về nhận công tác tại Ban Dân vận Trung ương, anh thường xuyên trao đổi với tôi về những vấn đề có liên quan. Anh bảo tôi sắp xếp lịch và cùng anh trực tiếp đến từng phòng, từng đơn vị, gặp gỡ từng người, ân cần nói chuyện, thăm hỏi, động viên về công việc, bản thân và gia đình. Đến đơn vị nào làm việc, anh đều chú ý lắng nghe ý kiến của tất cả cán bộ, chuyên viên, nhân viên. Anh tâm sự chân tình và căn dặn mọi người củng cố và tăng cường niềm tin, bản lĩnh vững vàng, đề cao trách nhiệm, nâng cao trình độ, coi trọng phối hợp, cố gắng làm việc, tăng cường đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Những lời tâm sự, trao đổi của anh nhẹ nhàng, chân tình, sâu lắng, xúc động và trong lúc trao đổi, anh thường đưa ra những câu chuyện dí dỏm, gây tiếng cười sảng khoái cho cả lãnh đạo và chuyên viên, phá tan không khí ngăn cách, tạo sự trìu mến, gần gũi, ân tình, gây ấn tượng và lưu mãi hình ảnh của anh với những ai đã tiếp xúc, làm việc với anh.

Để nắm thông tin và khuyến khích phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong cơ quan, anh Trương Quang Được đã gửi đến toàn thể cán bộ, chuyên viên, nhân viên cơ quan một văn bản để góp ý, kiến nghị, đề xuất của mình đối với lãnh đạo cơ quan. Trong đó, mỗi người được phát huy quyền dân chủ, nói lên những việc mình đang đảm nhận, việc gì đã làm được, việc gì chưa đạt hiệu quả cao, nguyên nhân và nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất của mình đối với tất cả các lĩnh vực có liên quan đến công việc của cá nhân, hoạt động của đơn vị và hoạt động của lãnh đạo cơ quan. Sau khi có bản góp ý, anh đã dành thời gian đọc và chắt lọc tất cả các ý kiến của lãnh đạo, chuyên viên và nhân viên gửi đến. Tiếp đó, anh đã làm việc với lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các vụ, đơn vị, cảm ơn và thông báo đến tất cả cán bộ, nhân viên cơ quan về những sáng kiến, kiến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của từng cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị.

Bất cứ ở đâu, khi làm việc và cũng như khi tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bất cứ ai, đều thấy toát lên từ anh Trương Quang Được một phong cách dân vận, gần gũi, ấm cúng, chân tình, tay bắt mặt mừng, hòa đồng như anh em lâu ngày nay mới được gặp. Những hình ảnh đó cứ thường xuyên gợi nhớ cho tôi, nhất là những lần tháp tùng anh đi làm việc và công tác ở các bộ, ngành và địa phương, cơ sở.

Tháng 9/2000, trong chuyến đi công tác tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, biết là có cơn bão đã hình thành và đang hướng đổ bộ vào miền Trung, tuy nhiên, lịch công tác đã được sắp xếp và khi điện hỏi tình hình ở hai tỉnh, thì các địa phương vẫn sẵn sàng tiếp và làm việc. Tôi tháp tùng anh Trương Quang Được vào làm việc với một số cơ sở ở Hà Tĩnh hôm trước, sáng hôm sau làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, một số ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh. Chiều hôm đó, mặc dù bão bắt đầu đổ bộ vào đất liền giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhưng anh Trương Quang Được vẫn quyết định đi giữa tâm bão để kịp vào với Quảng Bình chống bão. Đi trong tâm bão, những cơn mưa cùng gió xoáy, giật mạnh, có lúc tưởng chừng như xe bị đẩy trượt sang ngang, có lúc ô tô bị đẩy ỳ lại. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đoàn đã đến trung tâm huyện Bố Trạch (Quảng Bình), đón anh Trương Quang Được đã có các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và huyện. Sau vài phút trao đổi, anh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trực tiếp đi ngay xuống cơ sở chỉ đạo và động viên nhân dân khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Những lời động viên, chia sẻ, ân cần, gần gũi và nêu hướng khắc phục hậu quả, sát với tình hình thực tế của anh đã để lại hình ảnh và ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân vùng bị bão lũ.

Tháng 10/2000, tháp tùng anh Trương Quang Được đi công tác Tuyên Quang, trong chuyến công tác đó, anh đã về thăm trang trại cam sành của một gia đình ven sông Lô, thuộc xã Minh Dân, huyện Hàm Yên; đây cũng là thời điểm bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tuyên Quang. Từ Hàm Yên theo quốc lộ số 2, khoảng 20km là đến một bến đò dân sinh đi qua sông Lô. Vào dịp này, nước sông Lô đang dâng cao và chảy xiết, người lái đò cập bến đưa đoàn qua sông, đã thấy lãnh đạo xã và chủ trang trại đón đoàn ngay bến đò. Sau màn chào hỏi, chủ trang trại đưa đoàn đi thăm rừng cam sành đang độ sung sức và rất sai quả của trang trại. Đi qua mấy đồi cam, anh quan sát kỹ lưỡng, khen ngợi động viên, trao đổi với chủ trang trại cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cam vào các thời kỳ phát triển. Trao đổi với cán bộ địa phương về hướng mở rộng và phát triển trang trại, những câu chuyện thu hút đôi bên, và cứ diễn ra như những chủ trang trại đang trao đổi với nhau về chuyển đổi cơ cấu kinh tế vườn rừng và cam sành ở Tuyên Quang. Trong cuộc nói chuyện với mọi người, anh còn nói: Đất đồi và khí hậu ở Hàm Yên rất tốt, thích hợp cho phát triển cây ăn quả, người Tuyên Quang cần cù, siêng năng, chịu khó và mến khách, có lẽ khi về hưu mình cũng lên đây làm trang trại với anh em. Nghe vậy, cả đoàn cười vui sảng khoái, vang cả một rừng cam trái ngọt, hương thơm của Hàm Yên. 

Đầu năm 2001, tháp tùng anh Trương Quang Được đi công tác một số tỉnh miền Trung, từ Đà Nẵng đến Bình Định. Đến đâu, anh cũng được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân đón tiếp trong bầu không khí cởi mở, phấn khởi, chân thành và nồng ấm. Trên đường đi công tác, anh kể cho tôi nghe về một thời anh công tác tại Hải Phòng, Tổng cục Hải quan, Quảng Nam - Đà Nẵng và làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Thời công tác ở Tổng cục Hải quan, tuy thời gian không dài nhưng anh đã đi và đến trực tiếp động viên anh em ở tất cả các trạm hải quan cửa khẩu trong cả nước. Anh nói: Đến đây không chỉ quán triệt chủ trương, chính sách về xuất nhập khẩu, mà quan trọng là nhằm động viên tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thiếu thốn để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác của các đơn vị. Mỗi một đơn vị anh đến thăm và làm việc đều được tặng một bài thơ do anh sáng tác, trong đó, có một số bài thơ đã được in trên báo, tạp chí và phổ nhạc phát hành rộng rãi.

Vào những năm anh Trương Quang Được về xứ Quảng công tác, anh thường tiếp xúc với các văn nghệ sỹ, nói chuyện, trao đổi, định hướng và đề nghị các văn nghệ sỹ sáng tác gắn liền với đời sống thực tế, nhằm phục vụ, thúc đẩy công cuộc kiến thiết và đổi mới của quê hương, đất nước. Khi anh giữ cương vị là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, vào những ngày nghỉ, anh thường đạp xe buổi sáng, đến hiệu sách và có những lúc ngồi uống cà phê vỉa hè, chuyện trò thân mật, gần gũi, thân tình với anh em văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân. Thỉnh thoảng anh pha vài câu chuyện tiếu lâm làm cho cả hội vui cười. Những hình ảnh và không khí vui nhộn đó đã in đậm vào trong tâm thức của những người có mặt khi được tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với anh và nhớ mãi không bao giờ quên được.

Một kỷ niệm sâu sắc và lưu lại dấu ấn trong đời, đó là vào ngày 01/3/2001, sau khi dự Hội nghị Tổng kết công tác dân vận năm 2000 của Tỉnh ủy Nghệ An, anh Trương Quang Được đi kiểm tra công tác dân vận tại huyện Nam Đàn. Trên đường đi từ Vinh về Nam Đàn, tôi và anh cùng đàm đạo, trao đổi với nhau và rút ra một phương châm, đó là: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin”. Sau đó, đã tham mưu cho Trung ương và được Trung ương ban hành trong Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về phương châm: “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” thành một phong cách mới của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong công tác hàng ngày, cũng như những lúc đi cơ sở, tiếp dân và đối thoại trực tiếp với nhân dân. Tháng 10/2015, phương châm và phong cách dân vận: "nghe dân nói", "nói dân hiểu", "hướng dẫn dân làm", "làm dân tin" đã được xác định trong Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư (khoá XI) về Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đón được thông tin này, anh em chúng tôi vui mừng khôn xiết và cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời về công tác tại Nghệ An.

Hôm nay đây, giữa trời thu Hà Nội rực rỡ màu cờ và sắc hoa, cũng là dịp chúng ta Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ban dân vận cấp ủy các cấp gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua. Chúng ta nhớ về hình ảnh của anh Trương Quang Được, một người lãnh đạo cao cấp của Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội và đã kinh qua nhiều cương vị khác nhau, trong cuộc sống của mình đã luôn thể hiện tinh thần sắt son với đất nước, kiên định, trung thành với sự nghiệp cách mạng, suốt một đời đi theo Đảng, Bác Hồ; gần gũi, yêu mến và quý trọng nhân dân. Tháng 10 năm nay, anh Trương Quang Được đã đi xa tròn 6 năm, nhưng những cử chỉ trìu mến, lòng bao dung và tình yêu thương đối với đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và quần chúng nhân dân của anh mãi còn, như những bông hoa tươi thắm nghĩa Đảng tình dân trọn vẹn./.

Võ Đình Liên - Nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận Trung ương


 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác