Ngày 9/8, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội tổ chức Lớp tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
|
Quang cảnh lớp tập huấn |
Tham dự tập huấn có Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh và trên 200 đại biểu là các đồng chí: Bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở; cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên giáo, dân vận; lãnh đạo, chuyên viên các Ban Đảng, Văn phòng Đảng ủy Khối; các đoàn thể Khối; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức TP; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ sở trực thuộc Hội Cựu chiến binh Khối; Bí thư, Phó bí thư Đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Thanh niên Khối.
Tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã truyền đạt, trao đổi những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phân tích những điểm mới của Luật so với các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ trước đây. Đồng thời, cung cấp những thông tin, dẫn chứng cụ thể về phương thức thực hiện quy chế dân chủ trong tình hình hiện nay.
Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Liên nhấn mạnh, Điểm mới của Luật này chính là áp dụng trực tiếp đạo luật đi hẳn vào cuộc sống.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội yêu cầu, sau buổi tập huấn hôm nay, các đơn vị khẩn trương tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Luật đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của cơ quan, đơn vị; rà soát các văn bản, quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Mục đích là đưa Luật đi vào cuộc sống ví như là "Lá chắn thép" để bảo đảm quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thực hiện tốt hơn tại cơ sở; đồng thời nêu cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
(kinhtedothi.vn)