|
Cán bộ Văn phòng UBND thị xã Thái Hoà hướng dẫn người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính
tại bộ phận "một cửa".
|
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng
Khối 2, phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò) là một trong những địa bàn đầu tiên triển khai và được công nhận xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Đạt được kết quả này, theo chia sẻ của Phó Bí thư Chi bộ, Khối trưởng Hoàng Minh Tân: Mấu chốt chính là cấp uỷ, ban quản lý khối đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; từ chủ trương, các tiêu chí đến định hướng cách làm, quy trình thực hiện… đều được thông tin công khai đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân công rõ trách nhiệm cụ thể, bám sát địa bàn, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở đó, người dân bàn bạc và tự quyết định cách làm, mức đóng góp và phần việc, công trình nào làm trước. Người dân cũng tự bầu chọn người đảm nhận vai trò “tay hòm chìa khoá”, ban giám sát cộng đồng để trực tiếp kiểm tra, giám sát tất cả mọi hoạt động hoàn thiện các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, đặc biệt là huy động nguồn lực, kiểm tra chất lượng xây dựng đường bê tông, mương thoát nước, hệ thống chiếu sáng, mở rộng, nâng cấp nhà văn hoá và sân thể thao; lắp đặt các thùng chứa rác hợp vệ sinh…
Từ việc phát huy dân chủ, “trao quyền” chủ động cho người dân, đến thời điểm này, trong tổng số 77 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, khối 2 đã hoàn thành hơn 92% tổng khối lượng, trong đó có 71 tiêu chí hoàn thành 100%.
Kinh nghiệm và hiệu quả phát huy quyền làm chủ của người dân khối 2, theo chia sẻ của đồng chí Lê Kim Anh – Phó Chủ tịch UBND phường Thu Thủy, đó cũng là phương châm thực hiện trong quá trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở 3 khối còn lại trên địa bàn phường, với kết quả đạt từ hơn 60-83% của tổng 77 tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu.
Ở khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến (thị xã Thái Hoà), thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; cấp ủy, ban cán sự khối phát huy sức mạnh của Nhân dân thông qua thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng” để xây dựng khu dân cư đạt chuẩn đô thị văn minh.
Khối Tây Hồ 1 trở thành điểm sáng trong thực hiện quy chế dân chủ, huy động sức dân, phát huy tinh thần trách nhiệm cao của Nhân dân. Đây là điểm sáng xây dựng văn minh đô thị ở thị xã Thái Hoà.
Nhiều giải pháp phát huy dân chủ
Tại huyện Nam Đàn, đến thời điểm này đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã hoàn thành 35/42 nội dung tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch theo Quyết định số 17, ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo khẳng định của đồng chí Nguyễn Duy Thảo - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn: Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở đã bám sát và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành dân chủ; người dân được tiếp nhận đầy đủ thông tin và được tham gia vào các khâu của các chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền triển khai.
“Khi “dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được thụ hưởng”, nghĩa là người dân được tôn trọng, trở thành động lực để họ cống hiến, hy sinh lợi ích của mình vì phong trào chung”.
Bên cạnh đó, huyện Nam Đàn cũng phát huy vai trò giám sát, phản biện trong thực hành dân chủ ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng hoạt động đối thoại, giải quyết kịp thời các đề xuất chính đáng của nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện để nhân dân kiểm tra, giám sát quá trình lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền; đảm bảo dân chủ được phát huy cao nhất, hiệu quả nhất.
Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh chú trọng triển khai với nhiều giải pháp quan trọng. Qua đó, phát huy trí tuệ, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở từng cấp. Đối với vùng kinh tế trọng điểm như TX. Hoàng Mai, công tác thu hút đầu tư được chú trọng với 44 dự án được triển khai, đặt ra công tác giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn.
Về kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng ở TX. Hoàng Mai, theo chia sẻ của đồng chí Phạm Văn Hào – Phó Chủ tịch UBND thị xã, ngoài huy động vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì khâu tuyên truyền, công khai về chủ trương dự án cũng như chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng được làm bài bản, nhuần nhuyễn, kịp thời và nhất quán.
Cùng với đó, chú trọng công tác dân vận, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của người dân; những vấn đề phát sinh, vượt cấp, khó xử lý, cấp ủy, chính quyền thị xã kiên trì kiến nghị với tỉnh và Trung ương để tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống
Ngày 10/11/2022, Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023), quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để dân chủ ở cơ sở tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả hơn; góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển từng cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị và chung cả tỉnh.
Ngày 15/7/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật đang được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường; tạo điều kiện nâng cao hiểu biết pháp luật và các quy định cho nhân dân; nắm bắt được quyền và nghĩa vụ thực hiện quyền làm chủ, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, từng bước nâng cao nhận thức và năng lực thực hành dân chủ trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Kết hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm nguyên tắc Quy chế dân chủ…
Song song với đó là tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật.
(baonghean.vn)