|
Quang cảnh Hội nghị |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Nội vụ có đại diện lãnh đạo cấp vụ và cán bộ, công chức, viên chức người làm công tác tham mưu, thực hiện dân chủ của bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước và cơ quan, đơn vị liên quan; đại diện lãnh đạo, công chức được giao theo dõi nhiệm vụ công tác dân chủ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Để hướng dẫn kịp thời, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nhằm hướng dẫn tực hiện đồng bộ, thống nhất nội dung quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thể chế hóa Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó nêu rõ “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”; thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đồng thời, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần đề cao quyền làm chủ của Nhân dân như: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” quy định tại Điều 6; “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” quy định tại Khoản 1, Điều 28; “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” quy định tại Khoản 2, Điều 28. Tại Điều 14 khẳng định nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; quá trình xây xựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong thực hiện dân chủ; đề cao trách nhiệm người đúng đầu cơ quan, đơn vị, của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc công khai, minh bạch và thực hiện dân chủ.
Để Hội nghị đạt kết quả cao, Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị các báo cáo viên tập trung vào những nội dung cơ bản, cốt lõi nhất, những điểm mới so với quy định trước đây, những vấn đề cần lưu ý khi tổ chức thực hiện để truyền đạt ngắn gọn, rõ ý cho các đại biểu tham dự nghe dễ hiểu, dễ theo dõi và dễ thực hiện; đồng thời, đề nghị các đại biểu tham dự hạn chế làm việc riêng, lắng nghe báo cáo viên phổ biến, nghiên cứu tài liệu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe phổ biến, quán triệt 03 chuyên đề: 1) Nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; 2) Nội dung cơ bản của Nghị định số 59/2023NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; 3) Nội dung cơ bản của Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Đồng thời, trao đổi, đặt câu hỏi tới các báo cáo viên liên quan đến những nội dung về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có nội dung rất cô đọng, súc tích, chặt chẽ và đầy đủ để mọi công dân thực hiện. Luật đã thể chế hóa nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thực hành dân chủ ở cơ sở. Để Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống và thực hiện hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị cần tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương tập trung tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thống nhất.
Thứ hai, tập trung triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 ban hành Kế hoạch trển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó đã giao cụ thể cho các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không còn hiệu lực khi Luật có hiệu lực từ 01/7/2023; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị cho phù hợp với quy đinh mới của Luật và các văn bản liên quan; tập trung nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp quyết định các biện pháp thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thứ ba, thực hành và phát huy dân chủ gắn với nâng cao dân trí, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần phải được nâng lên ở các cấp, các ngành thông qua việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý đơn thư, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân, đạo đức công vụ, hội nghị người lao động...
Thứ tư, dân chủ gắn với pháp chế, trật tự xã hội cần thiết, nâng cao tính pháp quyền, tuân phủ pháp luật. Cần bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.
Thứ năm, gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, cải cách thể thế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính./.
(tcnn.vn)