Thứ Sáu, 19/4/2024

Sự ra đời và phát triển của một chủ trương

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đang tiến hành tổng kết gần 20 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng trong Đổi mới và sẽ có những bước phát triển lớn hơn nữa trong những giai đoạn sắp tới, một sáng tạo từ nhân dân được Đảng đúc kết đưa trở về với nhân dân. Là một cán bộ dân vận, tôi may mắn được chứng kiến từ đầu sự ra đời của sáng kiến này, được góp phần hình thành và sau đó lại được tham gia đưa chủ trương đó vào cuộc sống. Tôi coi đó là những kỷ niệm sâu sắc, dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời làm dân vận của tôi.

Sáng tạo từ nhân dân

Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cũng như trong cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của Hải Phòng rơi vào khủng hoảng. Cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp kéo dài làm cho đời sống nhân dân rất chật vật. Song, với truyền thống năng động, Hải Phòng không chịu bó tay. “Khoán chui” diễn ra ở Đoàn Xá, Hòa Nghĩa (Đồ Sơn). Thành ủy đã đánh giá đúng tính cách mạng của hiện tượng này, ra nghị quyết ủng hộ và đề nghị Trung ương cho phép làm thử khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp. Làn gió “Đổi mới” không chỉ thổi khắp Hải Phòng mà còn lan ra cả nước. Trong một bài thơ, Tố Hữu đã viết: “Gió tự Đồ Sơn mát Thủ đô”. Chỉ thị 100 của Trung ương tạo ra một động lực mới cho sản xuất nông nghiệp (thực ra, vấn đề khoán đã có ở Vĩnh Phú nhưng không được ủng hộ nên bị chìm đi).

Nhân đà này, Thành ủy chủ trương xây dựng CNXH ngay tại xóm, ngõ, đường phố. Phong trào “Ngói hóa nông thôn” cũng được phát động. Trong thành phố, việc chỉnh trang đường ngõ, xóa nhà dột nát được đẩy lên. Một không khí hồ hởi lan rộng…

Lúc này, tôi đang là Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng. Trong Ban chúng tôi có nhiều cuộc thảo luận về các trọng tâm công việc. Tôi lại hay xuống cơ sở họp với dân, “nghe dân nói”. Trong một buổi họp tổ dân phố ở phường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), khi gợi ý phát biểu về chỉnh trang ngõ xóm, một cụ già đã nói: “Việc muốn tốt thì phải cho dân biết, dân bàn rồi mới làm. Sau đó, dân phải được kiểm tra công việc”. Câu nói đó cứ xoáy mãi vào tâm trí tôi. Trong óc tôi bật ra: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, như vậy mới phát huy được sức dân. Hay lắm! Tôi mang “công thức” đó thảo luận trong Ban, được mọi người rất hoan nghênh. Nhưng khi báo cáo với Thành ủy, Thành ủy chưa tỏ thái độ.

Tôi tranh thủ lên Ban Dân vận Trung ương, trực tiếp báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Ban về những suy nghĩ của Hải Phòng đối với phương châm này. Các đồng chí Phó Trưởng Ban tôi gặp đều hoan nghênh. Đồng chí Nguyễn Tam Ngô còn phân tích: “Đây chưa là toàn bộ vấn đề dân chủ, nhưng vừa là quy trình lãnh đạo dân chủ, vừa là quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin của mỗi người. Các đồng chí nên báo cáo trong Hội nghị công tác Dân vận toàn quốc sắp tới”. (Sau này, có ý kiến thêm vào cuối phương châm từ “dân hưởng”. Theo tôi, nếu phương châm chỉ với ý nghĩa quy trình lãnh đạo dân chủ thì việc thêm vào đó là không cần thiết). Lúc ấy là vào năm 1983. Khi kết luận hội nghị này, đồng chí Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban Dân vận Trung ương nhiệt liệt cổ vũ phương châm này và đề nghị cả nước áp dụng. Sau hội nghị, rất nhiều đoàn đại biểu từ Nam ra Bắc về Hải Phòng học tập cách đưa “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vào cuộc sống dưới hình thức xây dựng thành những quy chế đơn giản ở cơ sở xã, phường. Sau đó không lâu, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được ghi vào Chỉ thị số 53 của Ban Bí thư (khóa V) và đến Đại hội VI của Đảng được ghi trang trọng trong Báo cáo Chính trị của Đảng.

Thành chủ trương của Đảng và trở về với nhân dân

Cuối năm 1994, tôi được điều về công tác ở Ban Dân vận Trung ương. Vốn là cán bộ dân vận ở một địa phương có tiếng lúc đó là “năng động”, tôi ý thức được trách nhiệm Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, phụ trách công tác nghiên cứu của mình.

Sau tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân”, tôi rất trăn trở một câu hỏi: Đọc lại Nghị quyết Đại hội VI có đoạn: Đưa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành nền nếp hàng ngày trong xã hội mới và qua nghiên cứu ở cơ sở, vẫn còn nhiều biểu hiện mất dân chủ dẫn đến những bất công, oan ức, mặc dù văn bản đều ghi phải thực hiện phương châm trên, nhưng không ai chịu làm cụ thể. Tôi nghiệm ra rằng: Dân chủ mà thiếu cơ chế bảo đảm thì chỉ dừng lại ở tư tưởng mà thôi.

Đây chính là việc quan trọng của Dân vận. Tôi đăng ký với Ban Khoa giáo Trung ương nghiên cứu đề tài khoa học về Cơ sở lý luận và thực tiễn của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài.

Ngay sau đó không lâu thì xảy ra “Sự kiện Thái Bình” (1997), ở đó nông dân ở hầu hết các xã đứng lên vô hiệu hóa sự lãnh đạo, quản lý và làm tê liệt các tổ chức nhân dân ở cơ sở. Đây là một hiện tượng rất mới. Nhiều ý kiến cho rằng, do nông dân manh động, thậm chí có người còn nói là có bàn tay phá hoại của địch. Tôi xin về Thái Binh nghiên cứu, được đồng chí Trưởng Ban Phạm Thế Duyệt nhất trí. Đi cùng tôi có đồng chí Hoàng Tiến Cát, chuyên viên Vụ Nghiên cứu. Khi về đến tỉnh, chúng tôi đóng vai cán bộ Mặt trận đi tìm hiểu tình hình. Nhóm tôi có thêm anh Thiệu, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đến xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Phụ), xã mở đầu cho tình trạng lộn xộn, chúng tôi cho xe com-măng-ca quay về tỉnh, đi bộ vào ở nhà đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và một nhà khác gần đấy. Ở đây, chúng tôi vừa nghe dân, vừa trực tiếp gặp hai người cầm đầu gây rối là ông H. và ông T. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi kết luận: Để xảy ra sự rối loạn là do lỗi của cán bộ cơ sở tham nhũng, hống hách; cán bộ cấp trên quan liêu. Dân đã đi khiếu kiện nhiều nơi nhưng không ai giải quyết. Đã thế, những xã có nhiều “vấn đề” vẫn được nhận những lá cờ thi đua xuất sắc, đảng bộ “4 tốt”. Dân uất ức quá, nhân có vài hành động không đúng mức của chính quyền huyện, bèn đồng loạt vùng lên. Không có vấn đề địch ở đây. Số phần tử cơ hội lợi dụng cũng rất ít.

Sau 5 ngày ở cơ sở, tổng hợp tình hình một số nơi khác cũng tương tự, tôi gọi điện về báo cáo với Trưởng ban, nói rõ quan điểm và đề xuất cách giải quyết; anh Phạm Thế Duyệt đồng tình và đồng ý cho tôi thay mặt Trưởng Ban gửi báo cáo cho Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đây có lẽ là bản báo cáo sớm nhất về vấn đề này. Vấn đề Quy chế dân chủ ở cơ sở trở nên chín muồi.

Cùng trong thời gian này, đề tài khoa học nêu ở trên cũng được nghiệm thu và được đánh giá xuất sắc. Cả hai sự kiện trên là sự đóng góp cụ thể của Ban Dân vận Trung ương cho việc ra đời Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Tôi còn được giao nhiệm vụ cùng 4 đồng chí khác, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, xây dựng các Quy chế dân chủ mẫu để Quốc hội và Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy sau này…

Năm nay, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, cũng là “Ngày Dân vận của cả nước”, kể lại câu chuyện trên, tôi càng thấm thía câu tổng kết được ghi trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội VIII của Đảng (tháng 6/1996): “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hiện nay”. Đó là một bài học lớn từ sau 10 năm Đổi mới đầu tiên. Bài học này rất đáng để cán bộ dân vận chúng ta suy ngẫm nhằm làm tốt hơn cho công việc hôm nay.

TS. Đỗ Quang Tuấn
Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

TẠP CHÍ IN