Thứ Bảy, 8/2/2025

Xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: Để tăng cường vai trò lãnh đạo của mình, Đảng cầm quyền phải tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức, như Hồ Chủ tịch đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Do đó, phải chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đây là điểm nhấn, điểm mới trong nội dung xây dựng Đảng tại Nghị Quyết Đại hội XII vừa được thông qua, là sự bổ sung hết sức cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay.

Vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng không phải bây giờ mới được nêu ra, vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, ngay trong cuốn “Đường cách mệnh”, tác phẩm đào tạo thế hệ cán bộ đầu tiên của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành ngay trang đầu tiên để viết về tư cách đạo đức của người cách mạng. Đây cũng chính là vấn đề trọng tâm xuyên suốt trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này như tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, “Đạo đức cách mạng” năm 1958 hay tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” năm 1969. Và đặc biệt, trong bản Di chúc, đề cập đến vấn đề đạo đức, Người nhấn mạnh đến bốn chữ “thật”: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Có thể nói vấn đề đạo đức cách mạng, đạo đức của người đảng viên luôn được Bác Hồ đặt lên hàng đầu. Bởi theo Bác, người cách mạng là người phải có đạo đức, nếu là người không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, qua những chặng đường lịch sử, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn của đất nước, vấn đề đạo đức lại càng được nhân dân quan tâm và được các lãnh đạo của Đảng hết sức coi trọng. Trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, từ những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thường xuyên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng lại càng trở nên cấp thiết và thời sự. Trước đây Bác Hồ đã từng nói “Đảng ta thật vĩ đại” vì Đảng có đường lối đúng đắn và Đảng là đạo đức, là văn minh; khi đó mỗi người dân đều rất chân thành nói từ trái tim mình cám ơn Đảng, Chính phủ mà họ có được cuộc sống của ngày nay. Thế nhưng bây giờ, có sự giảm sút về niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng thì nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trở nên cần kíp hơn bao giờ hết; Đảng phải có đội ngũ đảng viên có đạo đức cách mạng, Đảng phải trong sạch thì Đảng mới vững mạnh.

Thực tiễn 86 năm qua, từ ngày thành lập Đảng đến nay cho thấy, vận mệnh của dân tộc ta đã gắn liền với vận mệnh của Đảng. Xây dựng Đảng đạo đức, trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng, trọng trách của Đảng càng nặng nề, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch. Sức sống, sự lớn mạnh của Đảng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc đã chứng minh: bất cứ ở đâu và bất cứ ở thời điểm nào, Đảng thể hiện được tính tiên phong, đem lại lợi ích cho dân tộc, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì Đảng vững mạnh, lãnh đạo cách mạng thành công; còn nếu xa rời quần chúng, không được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì sẽ suy yếu, giảm sút sức chiến đấu và có khi vấp phải thất bại. Muốn vững mạnh, muốn được quần chúng tin tưởng, ủng hộ, Đảng phải đạo đức, phải luôn trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Quan điểm cách mạng đó là nguyên nhân, là nguồn gốc sâu xa tạo nên sức mạnh của Đảng để Đảng lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vĩ đại “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”(2).

Qua thực tiễn, Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm về sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, đặt dân ở vị trí là gốc, Đảng không phải ở trên dân mà ở trong dân. Đảng và dân gắn bó, hòa quyện là một, không tách rời và không thể tách rời. Toàn bộ sức mạnh của Đảng không chỉ ở bản thân Đảng mà chủ yếu bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Vì vậy để phát huy sức mạnh của mình với vai trò là Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội thì Đảng ta phải thực hiện tốt công tác dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, và quan hệ đó phải được đặt trong mối quan hệ hai chiều, đó là Đảng có trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân; nhân dân có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Và chỉ khi nào mối quan hệ đó được phát huy từ cả hai phía Đảng và nhân dân thì sức mạnh của Đảng mới được phát huy dựa trên nền tảng nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là việc của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên nhưng đó cũng là việc của dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cũng thể hiện mối quan hệ giữa Đảng với dân; không phải “đóng cửa lại” để xây dựng Đảng mà phải xây dựng Đảng từ phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thắng lợi trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng chính là Đảng đã biết phát huy trí tuệ của toàn dân vào việc xây dựng đường lối của Đảng. Đảng tin dân, đưa mọi vấn đề để dân góp ý, thảo luận và cùng tìm cách giải quyết, từ đó có những quyết sách đúng đắn.  

Để Đảng thật sự đạo đức, văn minh, thật sự trong sạch, vững mạnh, phải kiên quyết đưa những đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa khiến người đảng viên mắc những căn bệnh nguy hiểm như kiêu ngạo, hống hách, tham ô, lãng phí chính là chủ nghĩa cá nhân. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3). Chính chủ nghĩa cá nhân đã khiến những đảng viên thoái hóa, biến chất, sa ngã, vi phạm kỷ luật Đảng. Vì lợi ích cá nhân, họ kéo bè kéo cánh, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, từ đó gây hậu quả nghiêm trọng: làm giảm sức mạnh của Đảng, làm mất cán bộ, đảng viên, khiến người dân giảm sút niềm tin với Đảng. Thực tế đã cho thấy, ở những nơi mất đoàn kết thì không chỉ tổn hại đến nội bộ Đảng mà còn hại đến nhân dân vì nơi đó đã không còn là chỗ dựa tin cậy, là nơi gửi gắm niềm tin yêu của quần chúng nhân dân. Đó cũng là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với dân, gây nguy cơ đến sự tồn vong của Đảng.

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Đảng phải xây dựng, chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, xây dựng Đảng đạo đức, văn minh, trong sạch, vững mạnh là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng ta là một đảng chân chính cách mạng, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(4). Chính vì vậy trong công tác hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải là người có đạo đức công dân, gương mẫu làm tròn bổn phận công dân, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được thực hiện sâu rộng trong Đảng và trong toàn xã hội sẽ thúc đẩy bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự thống nhất đoàn kết trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và trong sạch, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Chính từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, trong văn kiện Đại hội lần thứ XII vừa thông qua, lần đầu tiên vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được đề cập trong mục “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” đã nêu nhiệm vụ “Đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa đạo đức cùng với chính trị, tư tưởng, tổ chức cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng. Do đó, Đại hội XII của Đảng đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đây vừa là trách nhiệm của Đảng, cũng vừa là việc của dân trong giai đoạn hiện nay.

1. Hồ Chí Minh: toàn tập, t.12, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.510.

2, 3. Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.212, tr.557-558.

4. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, t.5, tr.233, tr.249.

 

Phạm Văn Dương, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN