Thứ Sáu, 19/4/2024

Hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018

Dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương; Bí thư, Phó Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy; Trưởng, Phó Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cán bộ, chuyên viên Ban Dân vận Trung ương. Tại điểm cầu ở địa phương có các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, thành phố; lãnh đạo, chuyên viên Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, lãnh đạo Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy… dự và theo dõi hội nghị.

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác dân vận năm 2017 tại hội nghị cho thấy công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết định, đề án lớn về công tác dân vận, lãnh đạo đại hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và đại hội của một số tổ chức tôn giáo... Các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với việc tiếp tục thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII); quan tâm chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền; xây dựng các cơ chế để lắng nghe, tổ chức đối thoại và tích cực giải quyết những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay ở cơ sở.

Việc thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, vừa chăm lo cho đời sống vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân nên đã thu hút được sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có tôn giáo được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chính quyền cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm thực hiện trên cơ sở hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm giải quyết nhiều kiến nghị chính đáng của các tôn giáo; xử lý, giải quyết vụ việc phát sinh, liên quan đến sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung…

Chính quyền các cấp đã quan tâm thực hiện công tác dân vận, chủ động tổ chức, phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân; nắm bắt diễn biến tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để phản ánh, tham mưu với Đảng và Nhà nước; triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác an sinh xã hội, phòng chống và khắc phục thiên tai, bão lũ.

 Toàn ngành dân vận tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng nghiên cứu, chủ động tham mưu cho Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, tham gia giải quyết các điểm nóng, bức xúc trong xã hội… góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ban Dân vận Trung ương đã chủ trì và phối hợp tham mưu hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng 08 đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Tăng cường phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, khảo sát và tham mưu kịp thời các vấn đề đặt ra, nhất là về công tác dân tộc, tôn giáo. Chủ trì, phối hợp tổ chức tốt 29 hội nghị sơ, tổng kết, giao ban, hội nghị chuyên đề; 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận; tổ chức và phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra, khảo sát tại các địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Hội đồng Công tác quần chúng Trung ương và nhiệm vụ thành viên một số Ban Chỉ đạo…

Báo cáo của Ban Dân vận Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác dân vận như: Công tác triển khai, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác dân vận của một số địa phương chưa tích cực, kịp thời, hiệu quả. Công tác phối hợp giữa ban dân vận với các cơ quan liên quan có nơi còn lúng túng, hình thức, hiệu quả chưa cao. Nhiều nội dung trong một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng vẫn chưa được Nhà nước thể chế hóa để thực hiện. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình Nhân dân của Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa kịp thời. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự rõ nét; công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền một số nơi chưa thực sự hiệu quả, nhất là cấp cơ sở. Công tác tập hợp, đoàn kết hội viên, đoàn viên còn hạn chế, nhất là trong khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo...

Năm 2018, phương hướng công tác dân vận được Ban Dân vận Trung ương xác định là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo thực hiện công tác dân vận; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Tập trung vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Ban Dân vận Trung ương cũng xác định chủ đề công tác năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền” nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác dân vận của chính quyền, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW (Khóa XI) về công tác dân vận. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Trung ương đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện.

Hội nghị đã được nghe phát biểu của các đồng chí: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy: Hà Tĩnh, Hòa Bình; Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh,  Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu, các ý kiến đều thống nhất với báo cáo của Ban Dân vận Trung ương và bổ sung, làm rõ thêm những kết quả, bài học kinh nghiệm, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Ban Dân vận Trung ương đã thống nhất với Chính phủ chọn năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền” và hoan nghênh hội nghị bàn cụ thể vấn đề này bởi “Triển khai nội dung này có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà còn ý nghĩa chiến lược lâu dài. Bởi mất dân là mất tất cả”. Thủ tướng chỉ đạo: Công tác dân vận là nhiệm vụ chung, nhưng trước hết các cơ quan Nhà nước, các cán bộ, công chức phải lăn lộn cùng các cán bộ dân vận nắm dân, nắm cơ sở, chống nguy cơ rất lớn là bệnh quan liêu, bệnh xa dân… và yêu cầu tất cả các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này, có kế hoạch cụ thể triển khai; phải khắc phục cho được bệnh quan liêu, xa dân, “trên nóng, dưới lạnh”…

Phát biểu tổng kết, bế mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và khẳng định: Năm 2017, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, chú trọng việc chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức gặp gỡ, trao đổi, đối thoại nhằm tìm ra cách thức giải quyết sát hợp ở những địa bàn có vụ việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài đã chú trọng hiệu quả hơn… Đồng chí Trương Thị Mai cũng chỉ rõ: Nhìn lại 1 năm, công tác dân vận đã ngày càng thiết thực hơn nhưng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác dân vận. Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu trong năm 2018, công tác dân vận của hệ thống chính trị cả nước phải bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và hướng đến mục tiêu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào hành động cách mạng rộng lớn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Tạp chí Dân vận đăng toàn văn phát biểu quan trọng của đồng chí Trương Thị Mai trên số này).

Nhân hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương để ghi nhận “Thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Phan Thanh (thực hiện)

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN