Thứ Ba, 23/4/2024

“Gần dân, có trách nhiệm với dân” là tinh thần xuyên suốt trong hoạt động lãnh đạo của tỉnh Hòa Bình

Năm 2017, mặc dù còn những khó khăn, thách thức; tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 9,46%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và chung tay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tỉnh ủy đã chủ trương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đó cũng chính là cách tốt nhất để thực hiện phương châm và cũng là yêu cầu “Gần dân, có trách nhiệm với dân”. Theo tinh thần đó, Tỉnh ủy triển khai các Đề án: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2017-2020; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020.

Tỉnh đã chú trọng và đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền. Thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các huyện, thành phố, bước đầu hoạt động đạt được kết quả tích cực, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung quy chế mẫu thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Thực hiện nghiêm quy định tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân và quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại; 100% huyện, thành phố và trên 65 % xã, phường, thị trấn tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Duy trì hòm thư góp ý điện tử và đường dây “nóng” của Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị; tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm. Thông qua đối thoại, nhiều ý kiến, nguyện vọng chính đáng đã được tiếp thu, giải quyết, củng cố lòng tin của nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và yêu cầu đẩy mạnh công tác dân vận, Tỉnh ủy Hòa Bình đã lựa chọn 03 trọng tâm công tác để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đó là:

Trong đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị của tỉnh

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 64-KT/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 39-CT/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hòa Bình đã lãnh đạo thực hiện thí điểm sáp nhập xóm, tổ dân phố. Đây là chủ trương lớn, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác dân vận đóng vai trò then chốt trong vận động, tuyên truyền để toàn thể Nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu, chủ trương sáp nhập. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền, tác động đa chiều với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phát huy dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã tạo được sự đồng thuận và ủng hộ cao của Nhân dân. Vì vậy, việc thực hiện thí điểm đã đạt kết quả tích cực, ngày 8/12/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-HĐND về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên toàn địa bàn tỉnh. Theo đó, sáp nhập 39 tổ dân phố; 82 thôn, xóm; thành lập 01 thôn, xóm mới; đặt tên mới 41 thôn, xóm, đổi tên 02 tổ dân phố.

Từ quý I/2018, tỉnh Hòa Bình sẽ thí điểm sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã theo hướng mở rộng đô thị và nhập các xã có diện tích tự nhiên và dân số quá nhỏ, theo dự kiến sẽ giảm 40 xã, 300 thôn, bản, tổ dân phố. Ngay từ bây giờ, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của nhân dân, làm cơ sở để thực hiện thành công việc sáp nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Trong thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa

Hòa Bình là tỉnh miền núi với địa hình chia cắt, có nhiều đồi núi và sông, suối dày đặc, ruộng đất phân tán, manh mún, gây khó khăn trong sản xuất. Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Làm thí điểm thành công, từ đó nhân ra diện rộng” trên tinh thần quán triệt sâu sắc quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tỉnh đã chọn huyện Yên Thủy làm đơn vị thực hiện thí điểm. Để thực hiện, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, thực hiện, phát huy dân chủ ở xã, phường, thị trấn và đảm bảo quy trình 8 bước, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Trong đó, chú trọng việc tổ chức quán triệt chủ trương đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, bàn kế hoạch thực hiện và tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, lấy ý kiến công khai, thống nhất phương án “dồn điền, đổi thửa” được xem là quan trọng nhất. Sau thí điểm thành công ở 3 xóm của huyện Yên Thủy, đã nhân rộng ở 36 xóm, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện không để xảy ra đơn thư khiếu nại, Nhân dân tin tưởng, phấn khởi canh tác trên cánh đồng lớn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Đến nay, toàn tỉnh có 22/191 xã, 7 nghìn hộ gia đình thực hiện dồn điền, đổi thửa với trên 2.700 ha, tương ứng 4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền, đổi thửa, nông dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nhóm nông dân tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được cải thiện, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền, đổi thửa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU, theo đó đề ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2020 có 50% số xã thực hiện dồn điền, đổi thửa; đến năm 2025, có 60% xã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư

Là một tỉnh miền núi với 74,14% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với nền văn hóa đa dạng, phong phú, tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các mô hình tự quản ở địa phương, từ đó phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng được mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. Đây là một mô hình có tính sáng tạo, hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự quản của nhân dân, có hiệu quả thiết thực để các gia đình trong khu dân cư, tổ dân phố giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự. Mô hình này đã được Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao. Từ kết quả đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có 1.616 tổ liên gia tự quản hoạt động ổn định, góp phần truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến trực tiếp với người dân; giải quyết được nhiều vướng mắc ngay tại cơ sở, tạo sự cảm thông, chia sẻ, gắn kết tình làng, nghĩa xóm; giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.

Để công tác dân vận được thực hiện tốt và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới theo định hướng của Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy Hòa Bình tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh, đặc biệt là chính quyền các cấp phải tạo được sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong “Năm dân vận chính quyền”. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho địa phương làm tốt công tác dân vận, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhưng không tạo ra những bất ổn xã hội, giải quyết tốt hơn những phát sinh trong quá trình phát triển, các cơ quan Trung ương cần nghiên cứu, tham mưu việc rà soát, bổ sung, sửa đổi thể chế, nhất là những chính sách bất cập trên thực tế, chưa hợp lòng dân, như:

Theo quy định của Luật Đất đai, các dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước giao cho nhà đầu tư thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Như vậy, công tác dân vận sẽ khó vào cuộc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là đối với những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dễ bị đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng. Đề nghị Chính phủ xem xét, có thể giao các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với nhà đầu tư thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án nói trên để thuận lợi trong thực hiện.

Hiện nay, các bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã ban hành bộ thủ tục hành chính riêng; nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác dân vận chính quyền, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành khung bộ thủ tục hành chính chuẩn để thống nhất thực hiện trong toàn quốc.

Về đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT: Việc không thống nhất phương thức và chính sách thu phí dẫn đến bức xúc trong bộ phận Nhân dân có tham gia giao thông. Tình trạng này có thể lây lan sang các nơi khác có hình thức BOT, vì vậy cần có cơ chế chung cho cả nước. Mặt khác, cần nghiên cứu phương án bỏ thu phí giao thông đường bộ đối với xe cơ giới; tất cả hạ tầng giao thông thu phí đường bộ, không riêng BOT hoặc Nhà nước mua lại các dự án BOT hiện nay đã hoàn thành, đi vào hoạt động.

Ban Dân vận Trung ương xem xét tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản quy định cụ thể hình thức xử lý đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc không tiếp thu, hoặc tiếp thu nhưng không giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân theo tinh thần Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

Bùi Văn Tỉnh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN