Thứ Tư, 24/4/2024

50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân và những bài học lịch sử

Vào đầu năm 1965, sau thất bại của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân Mỹ và quân đội một số nước “đồng minh” của Mỹ và một khối lượng lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh hiện đại, đô la… ồ ạt vào miền Nam Việt Nam; thời điểm cao nhất là nửa triệu quân Mỹ trực tiếp tham chiến, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của Nhân dân Việt Nam.

Giới cầm quyền Mỹ từng hò hét: Đưa biên giới nước Mỹ đến vĩ tuyến 17 của Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ. Chính quyền Giôn-xơn chủ trương đưa quân Mỹ vào nhanh và rút ra nhanh, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn, đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, trực tiếp tham chiến, quân đội Mỹ tuy ngăn chặn được sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa nhưng không thể bình định được miền Nam Việt Nam. Trái lại, nước Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh “tiến thoái lưỡng nan” ở Việt Nam và chưa biết bao giờ kết thúc. Chính phủ Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục tăng quân, tăng chi phí quân sự để thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

Nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái, thâm hụt ngân sách, giá cả tăng vọt, lạm phát không kiểm soát được. Nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh lan rộng toàn nước Mỹ đòi chăm lo cuộc sống cho người nghèo và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Mỹ phải lo đối phó với những khó khăn lớn về quân sự, chính trị, tài chính không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trong nước Mỹ và không thể lường được cuộc chiến tranh phi nghĩa này tác động làm rã rời tinh thần toàn xã hội và người dân Mỹ.

Trong bối cảnh đó, tháng 6-1967, Bộ Chính trị chủ trương: Nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, lại phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, buộc Mỹ phải thua và phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn.

Cùng thực tiễn diễn ra trên chiến trường, chiến lược dần dần hình thành, từng bước trở thành quyết sách: Tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong các thành phố và thị xã. Đây chính là cơ sở, nền tảng vững chắc để Hội nghị lần thứ 14 BCH Trung ương khoá III quyết định: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nắm kỹ khả năng đánh vào thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh.

Cuộc tấn công của ta vào căn cứ Khe Sanh được giới chuyên môn Mỹ đánh giá như tấn công vào Oasinhtơn, gây chấn động cả nước Mỹ. Quân Mỹ, ngụy bị thu hút vào Khe Sanh, bất ngờ, đêm ngày 30 rạng ngày 31/1/1968 (Tết Mậu Thân), quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn, tập trung đánh vào nội thành và cơ quan đầu não: Dinh Độc lập, toà Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, sở chỉ huy… Bất ngờ về mục tiêu và thời điểm tiến công, Mỹ, ngụy trở tay không kịp.

Cùng với cuộc tiến công đồng loạt vào các thành phố, thị xã, trên địa bàn nông thôn, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, Nhân dân ta đã nổi dậy giành quyền làm chủ, đập tan bộ máy chính quyền của địch ở nhiều nơi. Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trên một không gian rộng lớn ở cả ba vùng chiến lược, nông thôn đồng bằng, đô thị và miền núi đã phát huy cao độ ưu thế và sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Quân và dân với quyết tâm sắt đá, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, không sợ hy sinh, gian khổ với nghị lực phi thường đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang của ta đã khắc phục mọi khó khăn, đặc biệt là những khó khăn về sự gấp rút về thời gian chuẩn bị, về yêu cầu bảo đảm bí mật, đã thực hiện tốt việc quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, bảo đảm cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi.

Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, những cách đánh có hiệu suất cao, phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các mặt trận, các chiến trường, thể hiện sâu sắc tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết tâm giành thắng lợi của quân dân ta.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân không chỉ gây bất ngờ lớn cho Mỹ mà còn làm cho dư luận Mỹ thấy rằng Mỹ không thể thắng được trong cuộc chiến ở Việt Nam. Ngày 31/01/1968, Tổng thống Giôn-sơn tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy chiến trường và từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ tới.

Thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Quân và dân miền Nam đã giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” trên thực tế.

Sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở nên chặt chẽ và hiệu quả hơn, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của cách mạng miền Nam. “Đồng khởi” năm 1960, Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 làm rung chuyển nước Mỹ là một trong những mốc son lịch sử, sự kiện mở đầu cho chuỗi thắng lợi liên tiếp của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc chiến đấu đập tan trận tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng đã lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh kiểu mới của Mỹ, buộc chúng phải ký vào Hiệp định Pa-ri năm 1973, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Tết Mậu Thân 1968 không chỉ là đòn quyết định buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán mà còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân vào mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đã 50 năm trôi qua, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân để lại cho chúng ta những bài học lịch sử vô cùng sâu sắc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta hôm nay và mai sau:

Một là, sự thống nhất, đồng lòng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và tài thao lươc của Quân ủy Trung ương về nắm bắt thời cơ, chủ động sẵn sàng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống; sáng tạo trong phát huy sức mạnh của các lực lượng. Thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là ở những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất.

Hai là, thường xuyên quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; nhận thức rõ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thế trận lòng dân, thế trận phòng thủ, thế trận quốc phòng, an ninh. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để có thể đánh thắng đối tượng tác chiến mới, phải chủ động xây dựng và chuẩn bị tốt thế trận từ thời bình; sáng tạo, chuyển hóa linh hoạt trong tác chiến, tổ chức huấn luyện, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.

Ba là, kế thừa và phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp, đoàn kết quân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước các âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, chúng triệt để lợi dụng chiêu bài dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, đặc biệt là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng chia rẽ Đảng với Nhân dân, giữa quân đội, công an với Nhân dân làm mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và đời sống của Nhân dân.

Bốn là, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, giải quyết hài hòa các mối quan hệ quốc tê; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, nhất là các nước có mối quan hệ truyền thống, các nước láng giềng, hữu nghị với Việt Nam.

Năm là, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, không ngừng xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; ra sức phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống Nhân dân; thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 thêm khắc ghi, tri ân và tự hào về một dấu son lịch sử, mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, ngời sáng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, của dân tộc ta trong sự nghiệp chống xâm lăng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

TS. Nguyễn Văn Hùng
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN